Chuyển đổi số

Hà Nội: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách về đo đạc và bản đồ

Thúy Nga 03/10/2024 - 13:20

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27-3-2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

21.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chú trọng công tác đo đạc, số hóa chỉnh lý bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Thúy Nga

Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động đo đạc và bản đồ trên địa bàn thành phố; cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, biên tập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 đồng bộ, thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thành phố cũng tập trung xây dựng, chuẩn hóa, tích hợp dữ liệu không gian địa lý, dữ liệu đo đạc và bản đồ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố. Từ đó, quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia theo phân cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban, ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn quốc.

Thành phố phấn đấu đến năm 2045, phát triển công tác đo đạc bản đồ và viễn thám thành phố Hà Nội trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại; quản lý, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trên địa bàn thành phố, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn quốc.

Đồng thời, bảo đảm 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân. Ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch này.

Các sở, ngành: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, viễn thám và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch này. Khi tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan đến đo đạc và bản đồ, sau khi hoàn thành phải chia sẻ, giao nộp các sản phẩm, tài liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng dữ liệu bản đồ dùng chung trên địa bàn thành phố.