OCOP Hà Nội

Vạn Phúc - giữ gìn sắc lụa nghìn năm

Nguyễn Mai 03/10/2024 - 13:17

Vạn Phúc là làng nghề truyền thống dệt lụa lâu đời bên dòng sông Nhuệ (quận Hà Đông) với những sản phẩm đã vang danh khắp trong và ngoài nước.

lua-van-phuc.jpg
Sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc. Ảnh: Minh Phú

Một số sản phẩm tiêu biểu của Vạn Phúc còn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề.

Người Vạn Phúc tự hào rằng, sản phẩm làng nghề dệt lụa tơ tằm nơi đây nổi tiếng trong và ngoài nước. Thời phong kiến, lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục cho các đời vua nhà Nguyễn.

Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc được xuất sang các nước Đông Âu.

lua-van-phuc-3(2).jpeg
Người Vạn Phúc dệt khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với những tên gọi khác nhau. Ảnh: Minh Phú

Hiện tại, lụa Vạn Phúc vẫn được đông đảo người tiêu dùng yêu thích. Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm, làng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Ngày 6-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lụa Vạn Phúc đã trở thành một sản phẩm của văn hóa, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội. Nét đặc sắc, độc đáo ấy có được là nhờ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng nghề canh cửi.

lua-van-phuc-4.jpeg
Một công đoạn dệt lụa ở làng Vạn Phúc. Ảnh: Minh Phú

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Trần Thị Ngọc Lan, Vạn Phúc có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu của Nhà nước và của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (16 người).

Đó là nghệ nhân Đỗ Văn Hiển - người duy nhất thiết kế mẫu hoa văn cho các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc. Ông Hiển vừa là người khôi phục các mẫu hoa văn từ xa xưa, vừa là người thiết kế mẫu mới. Đó là các nghệ nhân Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Anh Sơn - giỏi về kỹ thuật nhuộm lụa không phai...

Quy trình dệt lụa hiện nay không khác nhiều so với truyền thống. Tơ nguyên liệu được đưa vào guồng kéo ra các lõi nhỏ để mắc cửi, nối cửi rồi dệt. Tấm lụa sau khi dệt tiếp tục qua các công đoạn chuội, nhuộm... Công đoạn nào cũng cầu kỳ, tỉ mỉ.

Hiện người Vạn Phúc dệt khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với những tên gọi khác nhau, như: Băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế... Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa vân, loại lụa này có hoa nổi bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng.

Trong đó, các sản phẩm lụa trơn, lụa vân, lụa satin của Cơ sở sản xuất Triệu Văn Mão đã được công nhận OCOP của thành phố từ năm 2019.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Trần Thị Ngọc Lan cho biết thêm, năm 2024, nhiều cơ sở sản xuất lụa của làng, trong đó có gia đình chị đã và đang chuẩn bị những sản phẩm tốt nhất để tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Người làng nghề mong muốn sản phẩm tốt nhận được các chứng nhận để được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn.

lua-van-phuc-1.jpeg
Lụa tơ tằm Vạn Phúc thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Minh Phú

Theo Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Dự, làng lụa Vạn Phúc đã kết nối được nhiều tour du lịch. Ngoài tham quan làng nghề, du khách còn tham quan đình, chùa của làng và Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chính quyền và nhân dân Vạn Phúc đang không ngừng nỗ lực nối mạch nguồn di sản, quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân quê lụa...