Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024

Thanh Tàu 03/10/2024 - 12:03

Ngày 3-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”.

35366(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cùng lãnh đạo UBND thành phố, Quận ủy quận 1 phất cờ cho đoàn xe diễu hành trước lễ khai mạc. Ảnh: Nghiêm Ý.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời; mở rộng không gian, thời gian, phương pháp và hình thức học tập.

Năm 2024, thành phố đã vinh dự được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Ngoài ra, thành phố cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đó vừa là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn.

Theo bà Trần Thị Diệu Thuý, để giữ vững các kết quả đã đạt được, mỗi người dân cần chung tay góp sức xây dựng thành phố không ngừng học hỏi và phát triển. Trong đó, việc làm đầu tiên, quan trọng nhất chính là phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời để tiến bộ và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể cần đẩy mạnh, đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền về tầm quan trọng và vai trò của việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời; đa dạng hóa các dịch vụ thư viện, đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các trường học, địa phương; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn học liệu, tài liệu tham khảo, thông tin ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích năng lực tự học, học tập suốt đời.

24255(1).jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nghiêm Ý

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin, việc thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 - mức độ cao nhất theo quy định của Bộ đã thể hiện cố gắng vượt bậc của thành phố trong bối cảnh còn nhiều thách thức.

Với quy mô dân số lớn nhất toàn quốc, việc đáp ứng các dịch vụ về y tế - giáo dục - văn hóa của người dân là rất khó, nhưng thành phố đã cố gắng và hoàn thành tốt các tiêu chí.

Theo thống kê đến năm 2021, thành phố chỉ có 27 thư viện công, nhiều tủ sách, cà phê sách, khoảng 700 tủ sách khác… Trung bình, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 4 quyển sách/năm, nhưng trong đó đã có 2,8 quyển là sách giáo khoa. Trong khi đó, trung bình người dân Malaysia đọc 17 quyển sách/năm; người Singapore, Nhật Bản đọc trung bình 10-20 quyển sách/năm…

56477(1).jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyết định công nhận thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Ảnh: Nghiêm Ý

Cũng theo ông Phạm Ngọc Thưởng, thành phố cần rút ra những bài học kinh nghiệm để thúc đẩy, xây dựng thành phố học tập toàn cầu.

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7-10-2024 với nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến như hội sách; phổ biến và giáo dục pháp luật...