Bồi đắp cho thế hệ trẻ niềm tin yêu Thủ đô văn hiến, anh hùng
Tham dự buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển” chiều 20-9, các khách mời khẳng định, có được cuộc sống an bình, no ấm như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của bao thế hệ.
Đó là niềm tự hào, là hành trang đáng quý để thế hệ trẻ hôm nay có thêm tình yêu, niềm tin với Hà Nội và nỗ lực góp sức, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng:Những giây phút hạnh phúc không thể nào quên
Bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, tôi khi đó mới 23 tuổi, giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí Đại đoàn 308, trực tiếp chuyển đạn tiếp tế cho pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, chúng tôi sung sướng chứng kiến cảnh tượng lịch sử: Tướng De Catstries, các thành viên Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và hơn 1,6 vạn quân Pháp lần lượt ra đầu hàng.
Trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn 308 chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ tại đền Hùng, được Bác giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Vì sao Bác Hồ dùng chữ “trở về”, bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường: “Sẽ có ngày trở về Hà Nội”.
Ngày tiếp quản Thủ đô, xe của tôi là xe tiến vào thứ ba, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ... Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động vô cùng. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy, khiến chúng tôi càng thêm xúc động... Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên.
Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 269 - Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308:
Cảm xúc đầu tiên là vui mừng khôn xiết
Lúc đó, tôi có quá nhiều cảm xúc. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn.
Cảm nhận thứ hai là chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ thành Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc.
Thứ ba, chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Gần như tất cả chúng tôi là thanh niên nông thôn, nhiều người chưa ra khỏi lũy tre làng nên không biết thành phố trông như thế nào. Khi đó, chúng tôi háo hức về để xem thành phố. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng háo hức, lạ lẫm.
Cảm xúc thứ tư là mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi đã không có một lá thư về cho gia đình.
Cuối cùng, chúng tôi nhớ Việt Bắc lắm. Sau này, đọc những lời thơ của Tố Hữu, lại càng nhớ hơn. Những câu thơ như: “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”, chúng tôi đọc đều rơi nước mắt...
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Sự phát triển của Hà Nội có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ
Hà Nội ngày nay đạt được những thành tựu, mang tầm vóc vô cùng to lớn, không chỉ về diện tích, mà còn bởi Hà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người. Chính bề dày văn hóa và phát triển con người trong hơn 1.000 năm lịch sử là cốt lõi để Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Tôi rất cảm ơn buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến này với những câu chuyện của những nhân chứng lịch sử, giúp tôi hiểu thêm những khó khăn, gian khổ mà các thế hệ cha ông đi trước đã phải trải qua để có được Hà Nội ngày nay. Con người Hà Nội qua các thời kỳ chính là nguồn văn hóa vô tận để xây dựng Thủ đô, chứng minh rằng văn hóa Hà Nội không bao giờ đứt đoạn.
Hiện nay, Hà Nội đã phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố mở rộng hơn, xuất hiện nhiều đường phố mới, khu đô thị mới... Sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ. Cá nhân tôi luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự phát triển của Hà Nội - thành phố Vì hòa bình, Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Hà Nội - thành phố Sáng tạo.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Hà Nội sẽ bứt phá với sự "tiếp sức" của Luật Thủ đô
Hà Nội 70 năm qua thực sự đã có sự thay đổi ngoạn mục. Hà Nội không chỉ có những bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, mà đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Hà Nội thực sự là nơi kết tinh, tỏa sáng giá trị văn hóa của con người Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Việt Nam.
Chúng ta đang tiến tới xây dựng thành phố đáng sống, thành phố hạnh phúc bằng hành động cụ thể với nhiều hoạt động sáng tạo nở rộ trong thời gian qua, như tuần lễ thời trang quốc tế, lễ hội, phố đi bộ, không gian bích họa..., tạo điều kiện để người dân tham gia sinh hoạt, thể hiện tài năng sáng tạo.
Tập trung phát triển Hà Nội trong thời gian tới, với sự tiếp sức của Luật Thủ đô (sửa đổi), là nguyện vọng chung của cả nước, là mong mỏi của người dân cả nước, vì Hà Nội là trái tim, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của đất nước.
Luật Thủ đô đã tạo cơ chế vượt trội để Hà Nội chủ động nhiều hơn, có nguồn lực, điều kiện và cơ hội tốt hơn để phát triển. Khi Thủ đô phát triển với cơ chế đặc thù, lúc đó sẽ tạo sức bật mới. Hà Nội có sức bật mới sẽ dẫn dắt các địa phương xung quanh và cả nước phát triển. Tôi mong Hà Nội sẽ tận dụng những cơ hội có được từ Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát huy hết tiềm năng của người dân Thủ đô, từ đó, tạo sự bứt phá, là đầu tàu, ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển của cả nước.