Thủ tướng Chính phủ: Mỗi công dân phải sở hữu sổ sức khỏe điện tử
Chiều 2-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.
Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lãnh đạo các sở, ngành, các tổ công tác triển khai Đề án 06.
Hội nghị được kết nối trực tuyến (4 cấp) từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các địa phương cấp huyện, cấp xã.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Sổ sức khỏe điện tử tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng mỗi năm
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đến nay, đã tạo lập được hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân. Trong đó, có hơn 14,6 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ 98,6%) dữ liệu đồng bộ liên thông qua bảo hiểm xã hội để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu bảo đảm chất lượng, hiệu quả…
Bộ Công an đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp, ngân hàng triển khai hệ thống ki ốt y tế miễn phí với số lượng tối thiểu 1.001 ki ốt. Đến nay, đã có 44/63 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai với 217 ki ốt y tế. Đặc biệt, đối với UBND thành phố Hà Nội, đã tạo lập được sổ sức khỏe cho 7,5 triệu người dân; 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân.
Với kết quả trên tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng mỗi năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của bản thân cho bác sĩ bất cứ lúc nào, khi nào… Đối với Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý nhà nước.
Về thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, sau hơn 4 tháng triển khai tại Hà Nội và Thừa Thiên - Huế, đến nay bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 tỉnh, ước tính tiết kiệm khoảng 10 nghìn đồng tiền xăng xe, đi lại, sức chờ đợi; 15 nghìn đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội. Với nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp hằng năm là khoảng 2,6 triệu yêu cầu cả nước, khi người dân thực hiện đăng ký giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao việc thí điểm ứng dụng sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đã được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả cho người dân. Đồng thời, kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thách thức để triển khai mở rộng thí điểm 2 tiện ích trên phạm vi toàn quốc, góp phần xây dựng chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế - xã hội.
“Tất cả được đo lường bằng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID và nhấn mạnh, đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai các dịch vụ thiết yếu cho người dân.
Thẳng thắn nhìn lại khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tư tưởng chỉ đạo “chỉ bàn làm, không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không nóng vội”; “quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt”; các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo thời gian thực và kết nối, chia sẻ dữ liệu này với nhau, không “cục bộ dữ liệu” tại địa phương, đơn vị.
Về mục tiêu thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu, phấn đấu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có sổ bảo hiểm y tế đều sở hữu 1 sổ sức khỏe điện tử trên VNeID. Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% cơ sở y tế công lập và tư nhân ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; 40 triệu người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.
Trọng tâm trong triển khai sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID và bệnh án điện tử, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên VNeID; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận, hiểu biết trong toàn dân, toàn xã hội.
Đồng thời, đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu “5 bảo đảm”: Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành địa phương; bảo đảm hạ tầng số hoạt động thông suốt; bảo đảm nhân lực triển khai ứng dụng, tiện ích; bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng lưu ý, sổ sức khỏe điện tử trên VNeID cần tích hợp thông tin bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm khám, chữa bệnh không phụ thuộc vào địa giới hành chính. “Phiền hà nhất hiện nay của người dân là thủ tục phụ thuộc vào địa giới hành chính. Dù là việc nhỏ nhưng tác động rất lớn”, đồng chí Phạm Minh Chính nói. Đối với lý lịch tư pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cập nhật các cơ sở dữ liệu để bảo đảm cấp phiếu đúng thời gian quy định cho người dân.
“Chúng ta đang trên đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng tới nền kinh tế số, tiên tiến. Chúng ta phải bắt kịp đến cùng và vượt lên trong kỷ nguyên số của nhân loại. Tôi kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ vào chuyển đổi số, tạo ra chuyển biến tích cực và tất cả chuyển biến đó sẽ được đo lường bằng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã chính thức kích hoạt việc triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.