Giải pháp nào phòng tránh thảm họa tương tự làng Nủ?
Sáng nay (2-10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Thảm họa làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh”.
Hội thảo do Bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng (Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Chủ trì hội thảo có GS.TS Đỗ Minh Đức, Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng và PGS.TS Nguyễn Châu Lân, Phó Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật (Trường Đại học Giao thông Vận tải). Tham gia hội thảo còn có nhiều nhà khoa học về địa chất, sinh viên các trường đại học.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu và điều tra thực địa về thảm họa xảy ra vào ngày 1-9 tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Báo cáo kết quả khảo sát và nhận định ban đầu về nguyên nhân gây ra sự cố sạt lở đất ở làng Nủ và một số khu vực trọng điểm của tỉnh Lào Cai, PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho rằng, do mưa lớn, lượng mưa tích lũy trong 3 ngày đạt 633mm (bằng ¼ lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai) gây trượt lở khối đất lớn, tích tụ vật liệu vào đoạn co hẹp tạo đập tạm thời và vỡ. Vị trí phát sinh trượt từ hệ tầng núi con Voi, đá phiến phong hóa mạnh, cường độ không cao và tầng phong hóa dày gây trượt lở khối lớn.
Kết quả mô phỏng Hec-Ras cho thấy, chiều dài dòng lũ bùn đá 3,6km, diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá khoảng 38ha, thời gian dòng lũ bùn đá chảy từ trên xuống 10-15 phút và mở rộng xuống vùng quạt bên dưới nhanh. Vận tốc dòng chảy lớn nhất khoảng 20m/s, đến khu vực bằng phẳng dưới làng Nủ, vận tốc giảm xuống còn 2-3m/s.
“Dù vận tốc giảm nhưng người dân vẫn khó có thể thoát thân kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Châu Lân nhận định.
Hiện, một số tỉnh miền núi đã xuất hiện nhiều vết nứt địa chất, một trong những biện pháp được đề ra trước mắt là che phủ bạt, đào hệ thống rãnh đỉnh thoát nước, không cho nước ngấm trực tiếp vào khu vực có vết nứt và thoát nước ngang ở khu vực mái dốc hạn chế nguy cơ sạt lở.
Cũng tại hội thảo, GS.TS Đỗ Minh Đức đánh giá: “Khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và đặc biệt phân bố dân cư tương tự như làng Nủ không phải là cá biệt mà ngược lại, khá phổ biến tại khu vực miền núi Việt Nam”.
Để phát hiện thảm họa thiên tai, GS.TS Đỗ Minh Đức cho rằng, giải pháp trước mắt là phải cảnh báo và hành động sớm. Khi rủi ro trượt lở đạt đến mức cấp 1, chính quyền địa phương cần hạn chế người và phương tiện lưu thông vào các khu vực nguy cơ cao. Khi tới mức rủi ro cấp 2 và cao hơn, cần cấm phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao; đồng thời, sơ tán dân trong khu vực đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở.
Về giải pháp dài hạn, GS.TS Đỗ Minh Đức đề xuất, phải xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển tổng thể các vùng đất dốc, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là các ngành khoa học trái đất...