Trưng bày 3D về cây bàng tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Bàng ơi...!”, diễn ra từ ngày 8-10 đến 31-12.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, trưng bày “Bàng ơi…!” giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… Từ đó, trưng bày giúp công chúng thêm hiểu và yêu hơn loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên, tỏa bóng mát xanh.
Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.
Đối với Di tích Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng được ví như “nhân chứng lịch sử” chứng kiến bao cảnh sống gian khổ và những cuộc đấu tranh hào hùng của tù chính trị Hỏa Lò năm xưa. Từ gốc đến ngọn, lá, cành, quả bàng đều được người tù trân quý, tận dụng trong cuộc sống sinh hoạt.
Bàng không chỉ che mát, mà còn nuôi sống, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho hàng ngàn chiến sĩ, góp phần không nhỏ lập bao chiến công trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù.
Trưng bày “Bàng ơi…!” được chia làm hai phần: Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò và Bàng ơi! Ở phần một, người xem sẽ thấy những hình ảnh cuộc sống của những tù nhân thân thiết bên cây bàng.
Theo tư liệu, trước năm 1930, những tù nhân phải lao dịch ở tòa án, đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non, xin được trồng để lấy bóng mát. Thấy có lợi, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại các khu sân trại. Theo thời gian, Bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò.
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1943-1945, chia sẻ: “Tôi có ký ức sâu sắc về cây bàng và những quả bàng chín ở trại giam Hỏa Lò, vì sau khi trải qua một trận ốm nặng, đúng là từ cõi chết trở về, anh em trong trại tăng cường giúp tôi thuốc để điều trị và đặc biệt gửi cho tôi nhiều quả bàng chín, lúc đó đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh” giúp tôi hồi phục dần dần…”.
Ở phần hai của trưng bày - “Bàng ơi…!, công chúng sẽ được biết thêm những câu chuyện cây bàng ở đảo xa và trong những câu hát, vần thơ. Khác với bàng trong đất liền, những cây bàng mọc nơi biển đảo có lá màu thẫm, gốc rộng, vỏ xù xì và gân guốc hơn.
Những hình ảnh cây bàng ở Nhà tù Côn Đảo, hay những cây bàng vuông ở Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… đều có những câu chuyện riêng, mang tinh thần ý chí của người Việt Nam.
Ban tổ chức cho biết, trưng bày "Bàng ơi…!" được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh - vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Điểm nhấn trong trưng bày là những cây bàng được minh họa theo sắc bàng bốn mùa trong năm: Mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ.
Trong trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hỏa Lò.