Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: “Đã đắm đã chìm đã bơi đã lặn”

Sách - Ngày đăng : 06:25, 25/11/2022

(HNMCT) - “Bóng của ý nghĩ” (NXB Thế giới) là tập thơ thứ tư, và là tập song ngữ thứ hai - sau “Những chiếc gai trong mơ” - của Nguyễn Bảo Chân, gồm 35 thi phẩm được sáng tác trong khoảng 12 năm trở lại đây, gồm bản tiếng Việt và bản tiếng Anh do nhà thơ viết trực tiếp, thể hiện cảm xúc và ý tứ ở một ngôn ngữ khác (chứ không phải bản dịch).

Mười hai năm mới ra một tập sách, Nguyễn Bảo Chân biết lúc nào thì dừng lại, lúc nào tiếp tục đi trên chuyến tàu đời người. Thơ Nguyễn Bảo Chân rất kiệm lời. Để đi tận cùng ý nghĩ, chị gửi gắm đời mình cho thơ, hết lòng vì thơ, cẩn trọng đến từng “centimet” trong chữ nghĩa. Đọc thơ chị, thấy ánh lên vẻ đẹp của lòng bao dung. Người đàn bà đi qua thời thiếu nữ, đi qua những mối tình si ngỡ như sóng dâng rồi sóng lặn, đi qua cuộc đời vô thường để tới chính mình.

Có bài, tứ thơ như chìm sâu xuống đại dương xem độ thẳm không cùng của nó. Nỗi nông sâu ấy chỉ có thơ đo được. Và ở đó ánh lên một thứ ánh sáng khác. Ánh sáng của người đàn bà từng trải, yêu và được yêu, tươi xanh và đằm chín. Sự đổ vỡ rồi hồi sinh được phản chiếu qua nỗi đau giấu kín. Không thấy sân hận, đổ lỗi, mà chấp nhận dâu bể, lượng thứ với người, với đời: “Sợi tình sợi nghĩa/ sợi tình sợi say/ buộc duyên/ giăng mắc chốn này/ buông lòng/ nới gió/ vuột bay cõi nào”. Nhà thơ đã thức ngộ rất sớm. Tôi nghĩ, phải là người học hành bài bản, chịu đọc, đi xa, nhìn rộng, Nguyễn Bảo Chân mới có được những phát hiện khác lạ từ chiêm nghiệm Tình - Đời, từ Được - Mất, thẩm thấu, lên men, và chưng cất thành thơ.

Nhà thơ nhìn thấy ở “Những bông hoa không màu” có “những mặt khóc, nấp dưới nụ cười/ những độc địa lẩn sau lòng tốt”, hay “những bàn chân đau/ trốn vào giầy chật”. Thấu hiểu sự đời, để “nhặt mùi hương cũ/ cất tận lòng ta/ sâu”. Nhà thơ đồng cảm, đau cùng nỗi đau của một người mẹ Nhật Bản, cũng là bạn của chị, trước vụ nổ nhà máy điện hạt nhân và sóng thần ở Nhật. Sau thảm họa thiên nhiên là nỗi thống khổ của con người: “Khắc vào trái đất khốn khổ/ thêm những vết thương tươi”. Nhà thơ tới Paris, nơi không chỉ có những căn nhà áp mái và bữa tối “nhấp hoàng hôn/ ngụm chiều vàng óng” để chia tay với nỗi “sợ cánh hoa rơi/ ngày mai giật mình”. Vừa đi vừa nghĩ, từ Paris chị tới Berlin “mùa hạ co ro 14 độ C” để “ngắm thật gần/ những chiếc lá không quen”. Dù dấu giầy đã in muôn nẻo Á, Âu, nhà thơ hiểu không đâu bằng nhà mình, Tổ quốc mình. Chuyến tàu đến ga cuối, qua những bến đỗ không người, ga xép hoang vu, có lúc, chị một mình về chốn cũ, nơi “quá khứ tuột rơi/ lẫn vào gió bụi/ đãi cát tìm ta/ nhặt về viên cuội”. Trong phút giây đơn độc ấy, những ý nghĩ lóe sáng, thành thơ: “Khi ý nghĩ kiệt sức/ rỗng không/ chân dung giấc mơ cũ bất ngờ vụt sáng”.

Thơ Nguyễn Bảo Chân có những chi tiết khiến người đọc thảng thốt. Những ý nghĩ mong manh nhưng không thể vỡ, mà hiển lộ vệt sáng tiếp nối. Khi chị nghe nhạc một mình, âm nhạc hay tiếng gọi từ cao xanh “vọng lại lá non/ ngân nga ngói cũ/ che hạnh phúc khỏi mưa/ giấu nỗi buồn bớt nắng”. Cách chị nhìn bão rớt: “Người đi ngày đã cuối/ căn phòng trống thênh thênh/ ta về gió đã mỏi/ vùi trong tóc im im/ lòng ta quên cài đêm/ ngổn ngang đầy bão rớt”. Cơn bão qua đi, thơ Nguyễn Bảo Chân còn rớt lại nỗi niềm “đau ngát vào hư không”. Dường như cảm xúc thơ, ý nghĩ thơ cũng tỏa hương. Không phải hương hoa lá mà là mùi vị của nỗi người. Ngát lên nỗi người! Tư duy thơ của Nguyễn Bảo Chân chạm tới đáy nỗi đau, cho ai đó từng qua mất mát trắng tay, qua cả niềm an ủi vỗ về, đọc và chia sẻ, thấy mình tự tin hơn, can đảm hơn trên chuyến độc hành của mỗi người.

Nguyễn Bảo Chân viết truyện ngắn, tản văn, làm phim tài liệu về văn hóa - văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng chị đắm đuối với thơ hơn cả. Thơ cứu rỗi chị những lúc lật thuyền, chìm giữa đại dương cuộc đời. Thơ mở ra cõi bình yên cho chị được an nhiên sáng tạo, cả thơ tiếng Việt và thơ viết bằng tiếng Anh. Ở đời, có một “mẫu ruộng” để cày chữ tiếng mẹ đẻ đã nhọc nhằn lắm. Nguyễn Bảo Chân còn một “mẫu ruộng” cày tiếng Anh, để phải lao động gấp bao lần. Chắc chắn chữ nghĩa không phụ người. Thơ đã và đang cùng chị trên hành trình ra thế giới, đến với nhiều miền đất lạ, còn ẩn chứa biết bao bí mật bất ngờ.

Hoàng Việt Hằng