Điểm nóng

Houthi đang tìm cách hưởng lợi từ cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông

Quỳnh Dương 02/10/2024 - 11:07

Khi Israel tăng cường chiến dịch chống lại Hezbollah ở Lebanon, bao gồm cả cuộc không kích giết chết thủ lĩnh Hassan Nasrallah, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen đã nhanh chóng chứng tỏ là một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột phức tạp đang làm rung chuyển Trung Đông.

8(2).jpg
Lực lượng Houthi bên bờ biển al-Salif (Yemen). Ảnh: Reuters

Ngày 2-10, theo AP, Houthi ở Yemen đã phóng một máy bay không người lái chứa thuốc nổ đâm vào một con tàu trên Biển Đỏ và một tên lửa bắn vào một con tàu khác. Đây là vụ tấn công mới nhất của Houthi vào hoạt động vận chuyển thương mại trên tuyến đường thủy quan trọng này.

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được thực hiện tại địa điểm cách thành phố cảng Hodeida khoảng 110km (70 dặm) nhắm vào tàu chở dầu treo cờ Panama Cordelia Moon. Còn tên lửa nhắm vào tàu chở hàng treo cờ Liberia.

Houthi đã đe dọa "leo thang các hoạt động quân sự" nhắm vào Israel sau khi tuyên bố bắn hạ 1 máy bay không người lái của quân đội Mỹ bay qua Yemen.

Trước đó, Houthi đã bắn một tên lửa đạn đạo vào sân bay chính của Israel khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang trở về từ New York (Mỹ), nơi ông có bài phát biểu tại Liên hợp quốc.

Houthi coi sự đoàn kết với Palestine là một công cụ hữu ích để tuyển dụng thêm thành viên mới và mở rộng quân số. Chiến lược hiện nay của lực lượng này là "leo thang dần dần" hướng tới Israel.

Theo ông Faozi al-Goidi, một thành viên của Hội đồng Trung Đông về các vấn đề toàn cầu, hành động của Houthi khó có thể bị ngăn chặn trong thời gian tới và nhóm này có thể nhắm mục tiêu vào các tàu xa hơn ở Ấn Độ Dương. “Họ cũng có thể tìm cách hợp tác với các lực lượng dân quân khác để xây dựng một liên minh đe dọa đến an ninh trong khu vực", al-Goidi cho biết.

Còn theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Soufan có trụ sở tại New York, Houthi đang tăng "quyền tự chủ hoạt động" và đa dạng hóa các liên minh bên cạnh Iran bằng cách hợp tác với Nga.

Nhà phân tích chính trị Yemen Abdel-Bari Taher cho biết: "Người Yemen thuộc mọi thành phần chính trị và hệ tư tưởng đều ủng hộ người Palestine và có mối liên hệ sâu sắc với họ". Điều đó sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ đối với Houthi. Nhóm này cũng có thể tìm cách khai thác vị thế mới của mình sau các cuộc tấn công vào Israel trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Saudi Arabia về một giải pháp cho cuộc nội chiến ở Yemen.

Năm 2015, Saudi Arabia dẫn đầu một liên minh gồm 9 quốc gia từ Tây Á và Bắc Phi, tiến hành can thiệp vào Yemen theo yêu cầu của Tổng thống Abdrabbuh Mansur Hadi , người bị quân nổi dậy Houthi lật đổ khỏi thủ đô Sanaa vào tháng 9-2014.

Những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm tạo điều kiện cho một thỏa thuận chia sẻ quyền lực theo một chính phủ chuyển tiếp mới đã sụp đổ, dẫn đến xung đột leo thang giữa các lực lượng chính phủ, quân nổi dậy Houthi và các nhóm vũ trang khác. Đỉnh điểm của xung đột, ông Abdrabbuh Mansur Hadi đã chạy trốn sang Saudi Arabia.

Sau nhiều năm “sa lầy” ở Yemen, hiện Saudi Arabia đang tìm cách để đạt được một lệnh ngừng bắn và rút lui quân sự để có thể tập trung vào cải cách trong nước.