Tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất lớn
Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh việc tích tụ đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.
Qua đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho người dân khu vực nông thôn.
Phát triển nông nghiệp giá trị cao
Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, việc tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao giúp tiết giảm chi phí sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xứ Đoài (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) Vương Đức Lập, với diện tích hơn 2ha đất thuê lại của nông dân, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, ứng dụng tưới nhỏ giọt, thuê kỹ sư về chăm sóc, tạo ra sản phẩm nho Hạ đen chất lượng tốt, vừa có thể bán sản phẩm, vừa kết hợp hoạt động du lịch trải nghiệm. Trung bình mỗi năm, ngoài nguồn thu ước đạt 150 triệu đồng cho khoảng 6.000 lượt khách tham quan trải nghiệm vườn nho, hợp tác xã còn cung cấp cho thị trường hơn 7 tấn nho tươi, với doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, sau dồn điền đổi thửa, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã vận động người dân phát triển vùng chuyên canh rau an toàn công nghệ cao theo hướng VietGAP. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Đức cho hay, với hơn 200ha sản xuất rau an toàn, đến nay, sản phẩm rau của Văn Đức được tiêu thụ chủ yếu trong các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, rau VietGAP của đơn vị còn xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), khoảng 300-500 tấn/năm.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất đã hình thành hàng trăm cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn với quy mô từ 20ha đến trên 100ha/vùng tại các huyện ngoại thành, đạt giá trị sản xuất 400-500 triệu đồng/ha/năm. Có rất nhiều vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với quy mô 20ha/vùng, cho giá trị sản xuất từ 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Sau quá trình tích tụ ruộng đất, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn ở các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Mê Linh..., mang lại giá trị thu nhập tăng thêm 25-30% so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
“Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ thuận tiện cho người dân áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất, chăm sóc đến thu hoạch, giảm chi phí; đồng thời quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng hàm lượng phân bón hữu cơ, tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn, giá trị kinh tế cao”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.
Tổ chức sản xuất phù hợp điều kiện từng vùng
Hiện tại, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sản xuất nông nghiệp manh mún, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; đầu ra nông sản còn bấp bênh... Do đó, để xây dựng được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa bền vững, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở… vẫn cần được các cấp, ngành chức năng quan tâm tìm giải pháp tháo gỡ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, hệ thống kênh mương, nhà bảo quản, sơ chế tại các vùng đã được quy hoạch sản xuất tập trung. Cùng với đó, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất, cho thuê, mượn ruộng hoặc liên danh, liên kết để tạo vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, Hà Nội đang phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch nhằm nâng giá trị sản xuất. Hà Nội cũng lựa chọn đầu tư bài bản các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, phù hợp khả năng tích tụ đất đai của địa phương. Ngoài ra, Hà Nội còn hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...), đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ cao sẽ trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị; nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình kết hợp du lịch, trải nghiệm; phát triển cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm nguồn cung nông sản sạch cho người tiêu dùng...
Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô được định hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo vùng tập trung phù hợp điều kiện ba vùng (sinh thái đồi gò, đồng bằng và bãi ven sông). Tùy theo từng vùng, các địa phương áp dụng mô hình phát triển phù hợp; đa dạng loại hình sản xuất, kết hợp đa lĩnh vực du lịch, sinh thái, giáo dục, bảo vệ môi trường, chú trọng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mặt khác, để tạo động lực phát triển ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội quy hoạch các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các quy hoạch, bảo đảm quỹ đất ổn định để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp...