Nhận diện cơ hội, thách thức, tạo sức bật mới cho phát triển đô thị Hà Nội
Chiều 1-10, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đồng phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Thủ đô Hà Nội - 70 năm sự nghiệp quy hoạch - Kiến trúc và phát triển đô thị (1954 - 2024)”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn dự hội thảo.
Tạo điều kiện để Thủ đô chuyển mình
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu, hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhìn nhận lại thành tựu của công tác quy hoạch Thủ đô sau 70 năm xây dựng và phát triển; nhận diện các cơ hội và thách thức, đồng thời tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện quản lý theo quy hoạch, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, để tạo sức bật mới thúc đẩy Thủ đô phát triển thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Ban tổ chức đã nhận được gần 30 bài tham luận có giá trị của nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về công tác quy hoạch đô thị, quản lý đô thị đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, các sở, ngành của Hà Nội và các hội nghề nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nêu, hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 10-2024. Trong đó, đã nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới.
Cụ thể, thành phố nghiên cứu xây dựng 5 trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô, xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi, xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía Nam thành phố.... Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời, hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.
Thực hiện Luật Thủ đô 2024, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch xây dựng các quy định cụ thể, trình HĐND thành phố thông qua để triển khai thực hiện trong thực tiễn, với những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực, quy định rõ trách nhiệm tới từng cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện để Thủ đô chuyển mình phát triển trong giai đoạn tới.
Nhiều tồn tại cần lưu ý
Phát biểu tham luận, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, 70 năm Giải phóng Thủ đô là dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị của Hà Nội, bởi đây là phần quan trọng không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
70 năm qua, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt, thể hiện công tác quy hoạch luôn luôn tiếp cận đồng bộ, khách quan, nghiêm túc và bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
70 năm qua, công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị Hà Nội được thực hiện năng động, linh hoạt, đổi mới, nhưng còn tồn tại ở khâu huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Công tác quy hoạch cần được tiếp cận đa ngành, tiếp tục nâng tầm trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp.
"Ngoài ra, để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, thành phố cần quan tâm phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tiếp tục nghiên cứu xác định đúng vị thế và giá trị truyền thống của Hà Nội", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Tham luận về mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô với đặc thù thành phố trong Thủ đô, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô là một hướng đi khả thi và hợp lý nhằm giảm tải áp lực đô thị hóa, đồng thời phát huy tiềm năng của các khu vực lân cận. Với mô hình này, Hà Nội có thể đạt được sự phát triển bền vững, cân đối giữa bảo tồn và hiện đại hóa, đồng thời trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của khu vực và quốc tế.
TS. Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc UN-Habitat Việt Nam cho rằng, Hà Nội là thành phố di sản quan trọng. Vì vậy, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phải được coi là tài sản xã hội, giúp nâng cao bản sắc đô thị, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống và kinh tế đô thị. Tái phát triển đô thị Hà Nội cần kết nối việc cải tạo khu trung tâm cũng như các khu ở ven đô, cải tạo hệ sinh thái sông hồ và không gian công cộng. Đặc biệt, phải xem xét khai thác không gian phát triển dọc sông Hồng như một trục phát triển sinh thái của Hà Nội.
Đề cập đến sông Hồng, kiến trúc sư Marco Buinhass, Giám đốc thiết kế Công ty tư vấn Quốc tế enCity đánh giá, những dòng sông, đặc biệt là sông Hồng sẽ đóng vai trò như nguồn lực chính để bù đắp những thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của một Hà Nội xanh và sinh thái.
Chuyên gia này nêu ra “phác đồ” 3 bước gồm tái sinh hệ sinh thái, tái hợp con người với dòng sông và tái tạo cơ hội. Theo đó, phục hồi sinh thái là bước đầu tiên hướng tới tầm nhìn về hành lang sông Hồng như một vùng giảm nhẹ lũ lụt, cải thiện chức năng sinh thái và khai thác tiềm năng của một trục phát triển xanh cho trung tâm Hà Nội. Đồng thời, cần xem xét một hệ thống cơ sở hạ tầng nhưng không có rào cản để đảm bảo khả năng tiếp cận toàn diện và sự hòa nhập đô thị thích hợp, có ý nghĩa của hệ thống đê sông Hồng.
Việc kết nối và khả năng tiếp cận cũng sẽ đóng một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tương lai của trục phát triển trung tâm mới, xem xét các hệ thống giao thông chạy từ Bắc xuống Nam, sẽ kết nối với đường thủy, tuyến xe buýt và hành lang giao thông mềm, góp phần xóa bỏ sự ngăn cách vật lý giữa tả ngạn và hữu ngạn của hệ thống đê, song song với sông Hồng.
Cuối cùng, tái tạo cơ hội chính là tạo ra các mô hình và kiểu phát triển mới để đáp ứng nhu cầu nhà ở, cải tạo các khu định cư không chính thức ngoài đê, xem xét việc cải tạo hiện trạng thực tế và khả năng chuyển đổi các vùng nước đọng hiện tại thành một hệ thống bờ sông năng động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.
Trong phần thảo luận, GS. TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn Thám Việt Nam kiến nghị thành phố cần có quy hoạch hạ tầng dữ liệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, sâu sắc cho thành phố. Đây sẽ là giải pháp đột phá nhất, ngắn nhất để tạo bước đột phá, phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại.
“Dường như các nhà quy hoạch, nhà quản lý mới chỉ dành sự quan tâm cho công tác lập quy hoạch mà chưa có đủ sự quan tâm cần thiết cho việc biến quy hoạch thành hiện thực, bảo đảm sự cân bằng, đồng bộ, chất lượng, giúp thành phố phát triển bền vững”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn nêu.