“Như là mong manh sắp mất...”
Lâu nay, độc giả vẫn biết đến Nguyễn Việt Hà với danh xưng tác giả “Cơ hội của Chúa” - gắn với cuốn tiểu thuyết đầu tay, gây không ít sóng gió văn đàn Việt đoạn giao thời hai thế kỷ của anh.
Quãng mươi mười lăm năm trước, tạp văn bỗng nổi lên phủ sóng thị trường văn học nhờ thị hiếu “ngại đọc dài” của độc giả. Dù chính tác giả cũng hay “giở giọng” tự trào khi nói về tính “mì ăn liền” của tạp văn, nhưng không thể phủ nhận Nguyễn Việt Hà là một trong những cây bút có giọng điệu ấn tượng và trường sức nhất ở thể loại này. Ngắn nên không dễ nén. “Tạp” nhưng rất cần tinh. Đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà, nhiều khi người ta đơn giản là thích đọc một cái “giọng” và vì thế không quá chú mục vào những chuyện lỉnh kỉnh cụ thể trong ấy. Đó hẳn là cái duyên với chữ, là “văn” - theo một nghĩa hoàn toàn cổ điển.
Từ “Con giai phố cổ” đến “Mặt của đàn ông” nối vào “Đàn bà uống rượu” và bây giờ là “Giọng của phố”, thì vẫn là khúc thức 62 bài ấy (được biết tác giả lấy theo năm sinh Nhâm Dần - 1962 của mình), vẫn phố ấy, người ấy mà thôi. Ta thấy dấu vết của những “trận uống dài liên miên qua trưa tới chiều muộn” - nơi tác giả phóng khoáng hóa thân một tửu đồ vừa hào sảng khí khái Đông phương, vừa tỉnh táo sắc sảo chẻ sợi tóc làm bốn với dư dả minh chứng, biện luận “triết Tây”.
Trong không gian Hà Nội của Hà, độc giả cơ hồ nhận ra người viết hình như đã có tuổi, vì anh hay nhớ. Như khi nhớ về một thời xa vắng hẹn hò ở phố: “Phim chiếu bảy rưỡi, nàng chuẩn bị từ năm giờ nhưng tới bảy giờ hai mươi vẫn chưa trang điểm xong. Mà có cái gì đâu, chỉ vì cái áo “bu dông” duy nhất mặc lần đầu hôm Tết bị trẻ con ném pháo thủng bằng lỗ đồng xu. Cả chiều nàng sụt sịt ngồi mạng, vừa thương mình vừa thương người yêu phải bồn chồn đứng đợi ở chỗ cột điện cuối phố” (“Xem phim ở phố”). Độc giả quen thao tác với smartphone và đi xem phim chiếu rạp như cơm bữa ngày hôm nay dễ băn khoăn chẳng biết ông tác giả đang hư cấu hay phi hư cấu. Nhưng cảm xúc long lanh đến mấy mươi năm sau thì làm sao mà hư cấu: “Chao ôi, những cô bạn mang dáng phố của một thời sinh viên cũ kỹ, chắc bây giờ các bạn đều có bằng tiến sĩ rồi nhỉ” (“Duyên và dáng của phố”).
Cùng với việc biên niên “hoang đường ở phố”, Nguyễn Việt Hà đưa vào tọa độ văn học của mình những gương mặt văn nghệ Hà Nội đương đại. Họ là bạn anh. Một nhạc sĩ nhà thơ nổi tiếng ở mảng phê bình, một “Mr.Blue” họa sĩ thích đeo khăn hồng thành danh nhờ bảng màu độc chói, một đạo diễn già chỉ mê nhạc “đỏ” nghe qua đầu băng cối, một thiếu phụ từng là thiếu nữ cầu Long Biên “vừa biết cắm hoa vừa biết nói tục”...
Hoang đường là thế nhưng ngay cả khi phóng bút vào dòng chảy thời sự nhiễu nhương, Nguyễn Việt Hà cũng có thừa những xã luận nghị luận đanh thép “kiểu phố”. Thì hãy xem anh tham gia chống dịch: “Những người tiếp nhận tin đồn nửa chính nửa tà rồi hấp tấp xử lý kém, đa phần đều đáng chê trách, nhất là khi họ có cao bằng cấp. Cứ nhìn rất nhiều ứng xử sau cái đêm Hà Nội minh bạch công bố bệnh nhân “cô vi” thứ 17 thì nhiều người điềm đạm tử tế chợt nhiên buồn bã cười như mếu” (“Độc dược tin đồn”).
Sẽ là một sai lầm nếu ai đó yên tâm xếp tạp văn Nguyễn Việt Hà vào cái rọ “giễu nhại”. Đương nhiên cần phải thấy, chất uy-mua của tạp văn luôn chuyên chở cả mỹ cảm chân thành hướng thượng, chứ không chỉ là thuần túy những “giễu” với “nhại”. Mặt khác ở trường hợp Nguyễn Việt Hà, đây còn là một cánh cửa để bước vào thế giới tiểu thuyết những “Cơ hội của Chúa”, “Khải huyền muộn”, “Ba ngôi của người”, “Thị dân tiểu thuyết”, “Tuyệt không dấu vết” và rất nhiều truyện ngắn đặc sắc đô thị của anh - tất cả được gắn kết bằng một chất “giọng” khó lẫn. Đến lượt mình, chính cái “giọng” ấy cũng trở thành một nhân vật, một chủ thể - trữ tình xuyên suốt và nhất quán.
Ở trong khuôn khổ của 62 bài tạp văn lần này, chẳng biết vô tình hay hữu ý, lần đầu tiên nó được gọi tên: “Giọng của phố” - một thứ giọng “càng ngày càng thầm thì, khẽ tới mức như là mong manh sắp mất...”.