Chuẩn hóa cho... công trình xanh
Nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, sức khỏe con người, mang đến điều kiện sống tốt nhất, thời gian qua, nhiều công trình xanh đã được triển khai xây dựng tại Hà Nội cũng như trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, đến nay số lượng các công trình xanh vẫn còn khá khiêm tốn. Các chuyên gia đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy phát triển công trình xanh, hướng tới xây dựng đô thị thông minh, bền vững.
Nhận diện nhiều lực cản
Lý giải về công trình xanh, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế phát triển đô thị, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đó là công trình xây dựng mà trong cả “vòng đời”, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan, sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử, tạo ra điều kiện sống tốt nhất.
Tại Hà Nội, nhiều công trình xanh đã được đầu tư xây dựng, tiêu biểu như công trình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, Tổ hợp công nghệ cao và Trung tâm R&D Samsung (quận Bắc Từ Liêm); Trường liên cấp Genesis (quận Tây Hồ); Dự án Ecohome3 (quận Nam Từ Liêm)… Trên phạm vi toàn quốc, công trình xanh đã phát triển mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, nếu như vào tháng 9-2023 cả nước có hơn 300 công trình xanh thì đến giữa năm 2024, con số này đã nâng lên gần 500, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu mét vuông.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm khoảng 100 triệu mét vuông, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, tiềm năng phát triển công trình xanh ở nước ta còn rất lớn.
So sánh với số lượng công trình xanh tại một số quốc gia trên thế giới như gần 85.500 công trình tại Mỹ; hơn 18.200 công trình ở Anh; trên 2,1 triệu công trình thuộc Ấn Độ hay hơn 8.700 công trình ở Hàn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Công trình xanh Việt Nam Phan Thu Hằng nhận định, công trình xanh ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn.
Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra là công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc. Trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận về nguồn tài chính…
Tiến sĩ Ngô Thế Vinh lý giải nguyên nhân xuất phát từ suất đầu tư cho công trình xanh lớn hơn từ 1,2% đến trên 10% so với công trình thông thường. Yêu cầu này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hơn, dù sau đó công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thuận lợi hơn trong quản lý vận hành.
Còn theo kỹ sư Lê Cao Chiến, Trung tâm thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), một trong những vướng mắc chính đến từ vật liệu xanh bởi chi phí sản xuất cao hơn so với các vật liệu truyền thống, gây khó khăn cho các nhà thầu xây dựng hoặc người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng. Ngoài ra, mặc dù Việt Nam đang dần xây dựng các tiêu chuẩn về vật liệu xanh, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc đánh giá và quản lý chất lượng của vật liệu này.
Cần nhiều giải pháp tháo gỡ
Tại Hà Nội, xác định thúc đẩy phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược giúp phát triển bền vững Thủ đô, đưa Hà Nội trở thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Đáng lưu ý, hiện Hà Nội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024. Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững với nhiều công trình xanh. Các quy định sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh - thông minh - hiện đại.
Để khuyến khích phát triển công trình xanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Minh Lâm cho biết, thành phố đang triển khai chương trình công nhận danh hiệu năng lượng xanh cho các cơ sở công nghiệp và công trình xây dựng. Đây là hướng đi thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững nói chung.
“Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, có quy định cụ thể, chi tiết hơn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công trình xanh. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, người làm quản lý dự án về công trình xanh”, ông Hoàng Minh Lâm nêu.
Cũng nhằm thúc đẩy các công trình xanh, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh cho rằng cần nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng công trình xanh đối với một số loại hình công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư xây dựng công trình xanh, từ đó tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Quản lý thiết kế Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest) Nguyễn Chiến Hữu mong muốn, Bộ Xây dựng sẽ sớm tháo gỡ các quy định về tiêu chuẩn vật liệu để doanh nghiệp thuận lợi trong đầu tư, lựa chọn vật liệu xanh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công trình xanh để nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội, tạo động lực để đầu tư vào công trình xanh.