Đổi thời thật chăng?
Chủ tịch mới của đảng Tự do Nhật Bản (LDP) cầm quyền và đồng thời là Thủ tướng mới của đất nước này Shigeru Ishiba, 67 tuổi, thuộc diện lão làng trong đảng LDP và trên chính trường Nhật Bản. Cái câu "quá tam ba bận" giờ phải đổi thành "quá ngũ năm lần" để ứng vào người này.
Phải đến lần ứng cử thứ 5 mà ông S.Ishiba tuyên bố là lần ứng cử cuối cùng, người này mới đến được bến bờ của mong ước.
Ông S.Ishiba đã đánh bại 8 đối thủ chính trị khác trong đảng LDP để trở thành Chủ tịch mới của đảng LDP. Theo quy định của đảng này, Chủ tịch đảng ở những thời đảng cầm quyền tự khắc trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Ông S.Ishiba kế nhiệm ông Fumio Kishida. Sau 3 năm cầm quyền, ông F.Kishida từ chức Chủ tịch đảng LDP và Thủ tướng Nhật Bản bởi đảng này bị sa sút lòng tin trong dân chúng do một số bê bối và tai tiếng trong nội bộ đảng.
Mặc dù đạt được không ít thành quả cầm quyền quan trọng, đặc biệt về an ninh và đối ngoại, song mức độ tín nhiệm trong dân chúng của ông F.Kishida lại bị sa sút do người dân đánh giá ông không kiên định và triệt để thực thi những cuộc cải cách chính trị - xã hội đối nội cấp thiết lâu nay đối với Nhật Bản, vẫn chưa đẩy lùi được mức độ lạm phát cao, vẫn chưa khắc phục được tình trạng chi phí sinh hoạt đắt đỏ đối với người dân...
Ông F.Kishida cho biết việc từ chức để đảng cầm quyền có "diện mạo mới" thông qua lãnh đạo mới nhằm gây dựng thời kỳ mới trước cuộc bầu cử quốc hội vào mùa thu năm tới ở Nhật Bản. Trong nội bộ đảng LDP có làn sóng gây áp lực đòi ông F.Kishida từ chức vì cho rằng chỉ thay lãnh đạo đảng và mở ra thời kỳ mới thì mới có thể tránh được nguy cơ bị mất đa số trong quốc hội ở cuộc bầu cử quốc hội tới.
Nhưng ông S.Ishiba lại không phải là người mới và gương mặt mới trên chính trường Nhật Bản và trong đảng LDP. Người này đã có mặt trong quốc hội từ 38 năm nay, từng là bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, có thời là Tổng Thư ký của đảng LDP.
Với việc bầu ông S.Ishiba làm Chủ tịch mới, đảng LDP lần này chưa thay đổi thế hệ lãnh đạo đảng. Nhưng với việc bầu ông S.Ishiba chứ không phải Bộ trưởng Bộ An ninh Kinh tế Sabae Takaichi, đảng này đã chọn định hướng "tự do bảo thủ", cũng có nghĩa là muốn chấm dứt thời kỳ ảnh hưởng lấn lướt của cố Thủ tướng Shinzo Abe với chủ thuyết "chủ nghĩa dân tộc bảo thủ".
Ông S.Ishiba tuy thuộc diện lão làng trong đảng LDP nhưng lại có một số quan điểm cấp tiến như chủ trương từ bỏ sử dụng năng lượng hạt nhân, cải cách luật hôn nhân hay cổ xúy hệ quan điểm "chủ nghĩa tư bản mới" của ông F.Kishida.
Theo phát ngôn đầu tiên sau khi đắc cử, ông S.Ishiba sẽ kế thừa không ít quan điểm chính sách cầm quyền của người tiền nhiệm, tiếp tục thực thi những cuộc cải cách chính trị - xã hội đối nội mà cử tri đòi hỏi, tiếp tục coi trọng và ưu tiên đối ngoại và an ninh, nhưng chắc cũng sẽ có một số khác biệt cơ bản như chút ôn hòa hơn với Trung Quốc và đòi hỏi bình đẳng hơn với Mỹ trong khi muốn hình thành một dạng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Á.
Câu hỏi được đặt ra bây giờ ở Nhật Bản là sẽ có đổi thời thật sự không. Ông S.Ishiba muốn có nhưng rồi đây có thành công hay không lại là chuyện khác bởi chính việc bầu ông S.Ishiba làm Chủ tịch mới khiến đảng LDP thêm phân rẽ nội bộ sâu sắc. Ông S.Ishiba có được "thiên thời" nhưng chưa hẳn đã có được "nhân hòa" và chắc chắn chưa có được "địa lợi" để mở thời mới.