Giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh: Làm gì để khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đẹp đẽ, hoàn thiện hơn?

An Tôn 30/09/2024 14:20

Thành phố Hồ Chí Minh mong khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội ở vị trí đắc địa sát quận 1 sớm trở thành khu cảng khách quốc tế hiện đại. Thành phố cũng cần có ngay quy hoạch tổng thể khu vực này.

a579.jpg
Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội được kỳ vọng sẽ trở thành cảng tàu du lịch chính của nội đô thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VT.

Thành phố đang rất cần 1 cảng khách đường thủy đúng nghĩa

Hai ngày nay, nhiều báo đồng loạt đưa tin Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cảng tàu khách quốc tế ở cảng Nhà Rồng -Khánh Hội, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tại khu đất ven sông hiếm hoi còn sót lại ở trung tâm thành phố, vốn là cảng Sài Gòn cũ, doanh nghiệp đề xuất đầu tư xây dựng nhiều công trình trên khu đất khoảng 68.618 m2 (thuộc khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội hiện nay) thành khu phức hợp đa năng.

a581a.jpg
Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội nhìn từ phía quận 4. Ảnh: VT.

Cụ thể, sẽ xây dựng bến cảng tàu khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội đảm bảo cho việc tiếp nhận tàu khách quốc tế, tàu du lịch sức chở 1.000 khách, neo đậu du thuyền. Đồng thời, dự án sẽ xây dựng khu phức hợp phục vụ quản lý khai thác; khu vực quảng trường; khu phức hợp xe bus và bãi xe bến phà... Dự kiến, tổng mức đầu tư 624,9 tỷ đồng và thực hiện trong năm 2025. Doanh nghiệp cho biết sẽ trình UBND thành phố Hồ Chí Minh xét duyệt hồ sơ dự án trong năm nay.

Có một thực tế là thành phố Hồ Chí Minh – thành phố sông nước – đến hết tháng 9-2024 chưa có một cảng thủy tàu khách thực thụ. Các du khách tàu biển đến với thành phố thường được trung chuyển 60km đường bộ chật hẹp theo quốc lộ 51 từ nơi tàu neo đậu là cảng Cái Mép – Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) về thành phố Hồ Chí Minh với thời gian di chuyển mất một hoặc vài giờ đồng hồ, tùy theo việc đường tắc hay không.

a587.jpg
Tàu du lịch biển đưa du khách đến thành phố Hồ Chí Minh đang phải neo đậu tại cảng hàng hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: ST.

Một thực tế khác là thành phố Hồ Chí Minh đang rất muốn phát triển du lịch, vận tải hành khách bằng đường thủy và khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội có vị trí thuận lợi nhất để đảm trách nhiệm vụ cảng đầu mối này. Thế nhưng lâu nay, những du thuyền chạy đêm trên sông Sài Gòn cũng đang phải neo tạm trên những cầu cảng hàng hóa tại đây.

Hàng tối, du khách từ khắp nơi trong thành phố chật vật xuyên qua những con đường đông đúc đến với đường Nguyễn Tất Thành chật hẹp, vào khu cảng còn thiếu nhiều hạ tầng như nơi gửi xe, sảnh đón tiếp... để chờ đến giờ lên tàu. Nếu trời mưa, lượng khách đông không đủ chỗ trú chân chờ tạnh ráo.

Ngoài ra, những chuyến tàu cao tốc chở khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Giờ, Vũng Tàu; những tàu taxi đường thủy... hiện cũng đang phải neo đậu trên những bến tạm dọc đường Tôn Đức Thắng (quận 1), bởi chưa có bến đỗ chính thức. Ngoài việc gây ảnh hưởng mỹ quan khu đường ven sông đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh, khu cảng tạm này còn thiếu nhiều công trình hạ tầng tiện ích phục vụ lượng lớn người qua lại như nơi gửi xe, nhà vệ sinh...

a588.jpeg
Tàu cao tốc đi Vũng Tàu, Cần Giờ đang phải neo tạm tại Bến Bạch Đằng (quận 1). Ảnh: VT.

Cần sớm có quy hoạch tổng thể

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, khu Nhà Rồng - Khánh Hội có cầu cảng kiên cố, thuận lợi về vị trí, quá trình hình thành và phát triển gắn với lịch sử thành phố nên có sức hút về du lịch.

Tuy nhiên, đang có một vấn đề cần thành phố Hồ Chí Minh giải quyết, đó là việc sớm chính thức có ý kiến với kiến nghị bổ sung chức năng cảng du lịch quốc tế tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Công ty cổ phần cảng Sài Gòn. Việc này sẽ là cơ sở để quyết định tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với định hướng phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được duyệt.

a582.png
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn phát triển khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội trở thành một điểm nhấn của thành phố. Ảnh: VT.

Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến được xây dựng nối đường Nguyễn Văn Linh bên phía quận 7 qua sông Sài Gòn sang bán đảo Thủ Thiêm thuộc thành phố Thủ Đức, chắn ngang luồng phương tiện thủy từ cửa sông Sài Gòn vào khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội và vào sâu trong nội địa.

Theo dự kiến, cây cầu có mức đầu tư từ hơn 4.300 tỷ đồng có tĩnh không 10m (từ mặt nước đến gầm cầu, khoang thông thuyền rộng 80m). Tuy nhiên, với tĩnh không này, chỉ tàu cỡ nhỏ mới qua lại được. Như vậy, 11 bến cảng, cầu cảng hiện hữu tại khu cảng Tân Thuận (quận 7 và Nhà Rồng – Khánh Hội (quận 4) đang tiếp nhận được tàu có trọng tải 20.000 đến 30.000 tấn phải chuyển hết ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

a583.jpg
Một trong những phương án kiến trúc cầu Thủ Thiêm 4. Nguồn: Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

Và như thế, vô hình trung làm mất đi những lợi thế to lớn về sông nước của thành phố Hồ Chí Minh; giảm ý nghĩa của việc bỏ nhiều tiền xây tĩnh không cầu Phú Mỹ ở cửa sông Sài Gòn cao đến 55m và độ sâu đến 14m của đoạn 371m hầm Thủ Thiêm dưới lòng sông Sài Gòn để đón tàu lớn ra vào... Thành phố đang tính đến làm nhịp thông thuyền có thể nâng lên đến 45m, nhưng tổng mức đầu tư phải hơn 6.000 tỷ đồng. Hiện phương án tĩnh không cố định cao 15m đang được xin ý kiến các bên.

Trong văn bản trả lời việc xin ý kiến của thành phố Hồ Chí Minh về xây cầu Thủ Thiên 4, Bộ Giao Thông Vận tải nêu rõ: Thành phố cần sớm có quan điểm chính thức về quy mô, tính chất của khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, từ đó mới có thể quyết định tĩnh không, quy mô của cầu Thủ Thiêm 4. Về phần mình, thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực có câu trả lời cuối cùng ngay trong năm 2024 này.