Đời sống

“Kéo” cộng đồng trở về với trò chơi dân gian:Đã có những tín hiệu đáng mừng

Khánh Linh 30/09/2024 14:44

Nhằm khôi phục, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, tạo sân chơi vui tươi, bổ ích, lành mạnh cho cộng đồng, thời gian qua, nhiều trường học, viện bảo tàng cùng các cá nhân, tổ chức đã khôi phục một số trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khôi phục trò chơi dân gian như thế nào để vừa bảo đảm tính hấp dẫn nhưng các trò chơi vẫn hội tụ đầy đủ nét truyền thống, phù hợp với đời sống đương đại, rõ tính thẩm mỹ...

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

- Thưa Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nói đến bảo tồn, khôi phục trò chơi dân gian, điều đầu tiên cần bàn đến là giá trị của loại hình này đối với cộng đồng như thế nào. Theo ông, trò chơi dân gian có vị trí, vai trò như thế nào trong đời sống hiện đại?

huu-son.jpg

- Tôi cho rằng đã là trò chơi, chúng đều có chung vai trò giải tỏa những áp lực trong cuộc sống hiện đại. Để làm tròn vai trò này, trò chơi dân gian phải hội tụ nhiều giá trị. Trước hết, đây là trò chơi nhằm rèn luyện sức khỏe, sự hoạt bát, khéo tay, nhanh mắt. Có những trò chơi do phải đếm (chơi chuyền) hay phải cộng trừ, tính toán các bước đi (trò chơi ô ăn quan) nên chúng còn giúp người chơi nâng cao nhận thức, phát triển trí tuệ, giáo dục tính ganh đua trong sáng, trung thực.

Đặc biệt, trò chơi dân gian còn giúp trẻ có tính tập thể, dễ hòa đồng bởi đa số các trò chơi đều không quy định số người chơi nhất định, vì vậy, ít ai phải đứng chờ hoặc bị loại khỏi cuộc chơi. Từ những cuộc vui này, trẻ sẽ phát triển tinh thần cộng đồng, biết nhường nhịn, phối hợp nhóm... Đó cũng là môi trường để trẻ giao lưu, chia sẻ niềm vui và kinh nghiệm...

Với những trò chơi dân gian dành cho người lớn, đa phần thường diễn ra trong các lễ hội làng, ngày tết cổ truyền, đây chính là nơi phổ cập những giá trị truyền thống, nơi giao lưu tình cảm làng xóm quê hương và cũng là dịp để các thế hệ đua tài, đua sức, qua đó tạo nên mối liên kết bền chặt trong cộng đồng.

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động khôi phục, bảo tồn trò chơi dân gian ở thời điểm hiện tại?

- Những năm gần đây, nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội đã có hoạt động để đưa trò chơi dân gian quay trở lại, gần gũi hơn với mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tại các lễ hội, các khu vui chơi, các giải thể thao, trò chơi dân gian đã được các địa phương đưa vào thi đấu nhiều hơn và thu hút số lượng lớn người tham gia, cổ vũ. Đặc biệt, trong các trường học, ngành Giáo dục đã đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động vui chơi của học sinh trong các buổi ngoại khóa... Đây là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy trò chơi dân gian đang dần lấy lại vị trí của mình trong đời sống hiện đại.

Tuy nhiên, theo tôi, số lượng trò chơi dân gian xuất hiện trong đời sống vẫn còn khá khiêm tốn. Đặc biệt, số trò chơi dân gian được đưa vào chương trình ngoại khóa của nhà trường cũng như trong các buổi hội hè, lễ tết chỉ đếm trên đầu ngón tay, loanh quanh chỉ vài trò như nhảy bao bố, đập niêu, bịt mắt bắt dê... Điều này khiến cho thế hệ trẻ nghĩ rằng trò chơi dân gian thật đơn điệu. Trong khi đó, theo tôi tìm hiểu, chỉ một dân tộc trong số 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam thôi đã có hơn 500 trò chơi dân gian.

- Theo ông, quá đơn điệu và nhàm chán có phải là một trong những khó khăn trong việc khôi phục, bảo tồn trò chơi dân gian hiện nay?

- Đó chỉ là một rào cản trong rất nhiều rào cản. Quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi không gian, môi trường sinh hoạt vui chơi của trẻ, đồng nghĩa với việc môi trường để chơi trò chơi dân gian cũng thay đổi. Bên cạnh đó, chương trình học quá tải làm cho trẻ thiếu thời gian vui chơi. Chính những điều đó đã phần nào lý giải vì sao trẻ em ở các đô thị ngày càng ít chơi, thậm chí không biết đến những trò chơi dân gian.

keo-co.jpg
Năm 2015, di sản kéo co của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ảnh: Internet

- Vậy phải làm thế nào để trò chơi dân gian thu hút được người chơi và có sức sống bền bỉ trong môi trường đô thị hiện nay, thưa ông?

- Muốn đổi mới trò chơi dân gian thì phải dựa vào vốn dân gian của từng vùng, miền. Điều này rất quan trọng vì mỗi vùng miền sẽ có một kiểu chơi, đạo cụ khác nhau. Chính điều này sẽ làm cho trò chơi dân gian thêm phong phú, nhiều màu sắc hấp dẫn. Tiếp đó, đã là trò chơi dân gian thì phải gắn với môi trường để chơi chứ không phải môi trường giả tạo, bởi như thế thì sẽ chóng chán.

Vì thế, tôi cho rằng vào những dịp lễ tết, nhất là Tết Thiếu nhi hay Tết Trung thu, chúng ta nên tổ chức các festival trò chơi, đây sẽ là nơi bung tỏa những trò chơi của nhiều vùng, miền với màu sắc khác nhau, trưng bày những đạo cụ khác nhau, những câu chuyện về trò chơi, sự tích về trò chơi... Từ đó, người ta sẽ thấy trò chơi gắn liền với ẩm thực thế nào, với các sinh hoạt văn hóa ra sao, nó sẽ tăng thêm sự hiểu biết về trò chơi dân gian của người dân, khiến trò chơi dân gian trở nên mới lạ.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể cần có hoạt động thiết thực hơn nữa để khôi phục trò chơi dân gian bằng các biện pháp như tuyên truyền để quần chúng hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo lưu trò chơi dân gian. Cần thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian tại các trung tâm văn hóa, bảo tàng hoặc tổ chức các cuộc thi trình diễn trò chơi dân gian giữa các vùng...

Tiếp đó, chúng ta cần tiến hành việc điều tra, thống kê số lượng trò chơi dân gian tiêu biểu của từng vùng, miền nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc quản lý và đề ra chính sách bảo tồn, phát triển, đưa trò chơi dân gian vào đời sống hằng ngày của người dân. Quan trọng hơn, để trò chơi dân gian không bị mai một theo thời gian, công tác tập huấn hướng dẫn cách thức tổ chức chơi những trò chơi dân gian cũng cần được chú trọng, làm sao đó để tổ chức trò chơi dân gian đúng thể lệ, tôn trọng truyền thống nhưng vẫn hấp dẫn...

Với sự chung tay của cộng đồng, cùng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của trò chơi dân gian đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôi nghĩ rằng trò chơi dân gian sẽ dần khôi phục, tìm lại vị trí, vai trò của nó trong đời sống hiện đại.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!