Cải cách hành chính

Giải quyết thủ tục hành chính ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô: Đối thoại đa chiều để tháo gỡ vướng mắc

Mai Hoa thực hiện 30/09/2024 - 07:28

Đối thoại trực tiếp với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.

tiep-dan.jpg
Hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Ảnh: Thu Minh

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô thời gian qua?

- Hiện nay có 112 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tại Sở, thuộc các lĩnh vực như: Việc làm - an toàn lao động; lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội; dạy nghề; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ chăm sóc trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội. Trong 9 tháng của năm 2024, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 27.109 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Thời gian qua, Sở đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đến nay, có 13 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 6 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 7 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần.

- Một giải pháp được Sở thực hiện hiệu quả là tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với cá nhân, đơn vị về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

- Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội nghị mang tính chất đối thoại đa chiều giữa cơ quan quản lý và các cá nhân, đại diện các doanh nghiệp, nhằm trao đổi, lắng nghe các ý kiến, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính.

Đơn cử như trong giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, dữ liệu về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển đến Trung tâm Dịch vụ việc làm trên Hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia bị thiếu quá trình đóng của người lao động, thiếu tỷ lệ đóng chi tiết 3% bảo hiểm thất nghiệp, dẫn đến nhiều hồ sơ của người lao động nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia bị từ chối, gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hay như việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, có tình trạng người khuyết tật không có vân tay, có người chưa được cấp căn cước công dân, khiến cho chưa thực hiện đạt tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản.

Thông qua đối thoại, Sở tiếp thu những kiến nghị, đề xuất phù hợp để nâng cao chất lượng phục vụ. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, Sở sẽ ghi nhận, tổng hợp và gửi tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

- Giải pháp đối thoại đa chiều cùng các tổ chức, cá nhân phát huy hiệu quả ra sao trong việc triển khai Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn Hà Nội, thưa ông?

- Tiếp thu những bài học kinh nghiệm, những đề xuất hợp lý từ hoạt động đối thoại đa chiều, Sở tập trung chỉ đạo cập nhật cơ sở dữ diệu an sinh xã hội; số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính, thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội. Đồng thời, Sở nghiên cứu các giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, yêu cầu thực hiện số hóa, điện tử hóa toàn trình đối với hồ sơ thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận, thụ lý, giải quyết, trả kết quả trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, kịp thời nắm bắt những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, báo cáo thành phố tháo gỡ, giải quyết.

Tính đến kỳ báo cáo tháng 9-2024, có 201.827/203.175 dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội (đạt tỷ lệ 99,3%) đã được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Sở cũng đã tích hợp dữ liệu của 1.885.604 trẻ em hiển thị trên hệ thống phần mềm; 1.732.014 dữ liệu trẻ em được chuẩn hóa, làm sạch, hiển thị trên hệ thống. Về dữ liệu người có công, đến nay, đã rà soát, đối chiếu, làm sạch và nhập dữ liệu thông tin của 78.755/78.866 trường hợp người có công, thân nhân người có công và một số đối tượng do ngành quản lý đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 99,86%).

Thời gian tới, chúng tôi tăng cường đối thoại đa chiều, tiếp tục nắm bắt những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, chủ động làm việc với các bộ, ngành, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, Sở tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc số hóa hồ sơ, thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện theo đúng quy trình nhóm thủ tục hành chính liên thông.

- Trân trọng cảm ơn ông!