OCOP Hà Nội

Bát Tràng nâng tầm sản phẩm gốm sứ

Ánh Dương 30/09/2024 - 06:54

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có 2 làng nghề truyền thống làm gốm sứ là Bát Tràng và Giang Cao. Sản phẩm gốm sứ ở Bát Tràng không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn kết tinh giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật, có giá trị thẩm mỹ cao.

Phát huy thế mạnh làng nghề, Bát Tràng đang tích cực xây dựng nhiều sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

bat-trang.jpg
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều khách hàng trong nước và quốc tế biết đến, ưa chuộng. Ảnh: Trung Nguyên

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, toàn xã hiện có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Các cơ sở đã và đang giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống cho lao động địa phương cùng 4.000-5.000 lao động ở nơi khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng vẫn đậm nét truyền thống và bản sắc văn hóa Việt. Nhiều năm nay, các nghệ nhân, người làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng còn tập trung chuyển đổi, nghiên cứu, sản xuất đa dạng sản phẩm gốm sứ. Cùng là chất liệu đất nung nhưng gốm sứ Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, kích thước, chủng loại như: Đồ thờ cúng (phù hương, chân đèn, nậm rượu, chóe), đồ gia dụng (ấm, chén, bát, đĩa, vò, lọ, chậu) và đồ gốm trang trí mỹ nghệ, xây dựng. Gốm Bát Tràng được làm thủ công, với các màu men truyền thống như lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, xanh coban...

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các chủ thể sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình là sản phẩm OCOP 4 sao “bình sứ hút lộc” của Công ty TNHH Tiến Thanh. Bình hút lộc được nghệ nhân gốm sứ tạo nên với thiết kế miệng bình rộng, phần thân bình phình to để hút được nhiều tài lộc; phần cổ bình tròn, thon nhỏ, nhằm lưu giữ lại tài lộc cho gia chủ… Bộ bình sứ hút lộc được làm từ chất liệu đất sét cao cấp, màu sắc, họa tiết phong phú, phủ các loại men lam cổ, men rạn cổ, vẽ sơn mài, đắp nổi hoặc dát vàng, vẽ vàng cao cấp...

Hay như sản phẩm “lộc bình” - thú chơi cao nhã của những nhà quyền quý thời xưa bởi ý nghĩa phong thủy, giúp gia chủ phát tài, phát lộc, no ấm, cường thịnh... Mỗi đôi lộc bình thể hiện ý nghĩa khác nhau, màu sắc khác nhau, như: Lộc bình cá chép “vượt vũ môn hóa rồng” đại diện cho nghị lực và ý chí phi thường, luôn hướng về sự hoàn thiện và tăng trưởng; lộc bình “Lý ngư vọng nguyệt” là kiểu dáng cá chép hướng về bóng trăng soi dưới đáy nước, biểu tượng cho bản ngã chân thật; hoặc lộc bình vẽ theo kiểu dáng đăng đối Xuân - Hạ - Thu - Đông, Tùng - Trúc - Cúc - Mai, tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng, vẽ chim phượng hoàng, chim hạc...

Tích cực nghiên cứu, đổi mới mẫu mã sản phẩm, nghệ nhân gốm Bát Tràng Phạm Thanh Mai - Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Mai Linh nhận thấy tiềm năng của thị trường đối với sản phẩm cốc đựng cà phê cappuccino (loại tách dày, có quai cầm, có khả năng giữ nhiệt) rất lớn. Do đó, nghệ nhân Thanh Mai khéo léo kết hợp giữa phương pháp thủ công sản xuất gốm tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật, mang sắc thái riêng, đặc trưng riêng để sản xuất ra sản phẩm ly sứ cappuccino và đã đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm ly sứ cappuccino không chỉ góp phần xây dựng mới diện mạo cho nghề gốm truyền thống, mà còn giúp khách hàng thấy được sự phát triển tiếp nối của nghề làm gốm sứ, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần đưa thương hiệu gốm Việt Nam ngày càng vươn xa.

Đến nay, Bát Tràng có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Cùng với chiếm lĩnh phần lớn thị trường tiêu thụ trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu tới nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Nhiều sản phẩm gốm sứ điển hình của Bát Tràng như: Bộ đồ ăn, bình đựng trà, bình hoa, bình hút lộc… được chọn làm quà tặng các đại biểu dự hội nghị, ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm trọng đại của huyện, xã.

"Hằng năm, Bát Tràng đón khoảng 10 vạn lượt khách tham quan, mua sắm hàng gốm sứ, trong đó nhiều đoàn là khách quốc tế. Thu nhập chính của xã từ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại trên địa bàn xã ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm, giúp nâng thu nhập bình quân toàn xã lên hơn 90 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2024, Bát Tràng phấn đấu có 10 sản phẩm tham gia chương trình và đạt OCOP", Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin thêm.