OCOP Hà Nội

Dư địa lớn để Hà Nội phát triển sản phẩm OCOP từ làng nghề

Nguyễn Mai 30/09/2024 - 06:47

Thủ đô Hà Nội - “cái nôi” của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Đây là dư địa lớn để thành phố phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đến nay, nhiều sản phẩm làng nghề đã được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP, giúp sản phẩm hoàn thiện hơn về mẫu mã, chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị...

ocop.jpg
Sản xuất các sản phẩm tại làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Đỗ Tâm

Hơn 27% sản phẩm OCOP từ làng nghề

Trong nỗ lực phát triển nghề truyền thống địa phương, một số hộ đầu tư nhà xưởng, chú trọng bao bì, mẫu mã, xây dựng thương hiệu Chè kho Bằng An (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất), mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến cho biết, trên địa bàn xã có 40 hộ làm nghề chè kho, cung cấp sản phẩm đến với người tiêu dùng gần xa. Đặc biệt, sản phẩm chè kho đã được công nhận đạt OCOP 3 sao.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã gồm: 269 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 60 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 5 nghề được công nhận Nghề truyền thống.

Thực tế, bảo tồn, phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, đặc biệt ở các địa phương có làng nghề. Tổng doanh thu hằng năm của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, một số làng nghề có doanh thu/năm cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng…

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 7 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như: Làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 5-6 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề chính là dư địa lớn để Hà Nội phát triển Chương trình OCOP. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Riêng đối với khu vực làng nghề, thành phố có 745/2.711 sản phẩm (chiếm 27,48%).

“Sản phẩm làng nghề đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: Sản phẩm may mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren truyền thống, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm…”, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết.

Gia tăng giá trị cho sản phẩm

Những năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm hỗ trợ các làng nghề phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm. Trong đó, nhờ tham gia Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã được hoàn thiện với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có chứng nhận, tạo niềm tin trên thị trường.

Thoăn thoắt, khéo léo đưa tay đục từng thớ gỗ, tạo hình sản phẩm, anh Nguyễn Trung Thắng (Cụm công nghiệp xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất) cho biết đã gắn bó với nghề truyền thống của làng hơn 30 năm nay. Hiện nay, gia đình anh chuyên dòng sản phẩm sập gụ, tủ chè, trường kỷ. Nhờ nghề truyền thống, người dân Canh Nậu ai cũng có việc làm và thu nhập khá. Thời gian gần đây, nhiều sản phẩm còn tham gia Chương trình OCOP nên được hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm cũng tăng hơn.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, Chương trình OCOP đã giúp làng nghề tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để sản phẩm làng nghề vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, hồn cốt của quê hương đất nước, đồng thời có bước cải tiến phù hợp xu thế hiện đại, hội nhập, khẳng định vị thế sản phẩm làng nghề Hà Nội trên thị trường cả nước và quốc tế. Chương trình OCOP góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, tạo động lực cho các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho thế hệ sau; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục hỗ trợ các làng nghề công tác đào tạo theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng nghề truyền thống, cổ truyền, hợp tác quốc tế trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu… để phát triển sản phẩm OCOP nhiều hơn, chất lượng nâng cao hơn nữa.