Thế giới

Nhiều thách thức chờ đón tân Tổng thống Sri Lanka

Quỳnh Dương 30/09/2024 - 06:46

Một tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake đã bắt tay vào triển khai kế hoạch phục hồi nền kinh tế vốn đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ bất ổn như kỳ vọng của đa số cử tri, nhà lãnh đạo của đảng Mặt trận Giải phóng nhân dân còn phải vượt qua nhiều thách thức.

sri-lanka.jpg
Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake (bên phải) sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Yonhap

Theo thông tin mới nhất, một nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đến Sri Lanka vào ngày 2-10 để đánh giá tiến trình cải cách kinh tế của quốc gia này. Chuyến đi được thúc đẩy bởi các động thái của tân Tổng thống Anura Kumara Dissanayake và Chính phủ Sri Lanka nhằm nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán với IMF, đồng thời đẩy nhanh các cuộc thảo luận về xóa nợ với các chủ nợ nước ngoài, hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình, Tổng thống Anura Kumara Dissanayake nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đàm phán này đối với sự phục hồi của đất nước. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nandalal Weerasinghe cho biết, quá trình tái cấu trúc nợ của Sri Lanka sắp hoàn tất. Việc trao đổi trái phiếu dự kiến diễn ra trong vòng 6 đến 8 tuần nếu Chính phủ tuân theo kế hoạch Phân tích tính bền vững của nợ (DSA) hiện nay. Đây là điều cần thiết cho sự ổn định tài chính của Sri Lanka.

Theo Trưởng phòng Truyền thông của IMF Julie Kozack, đợt đánh giá thứ ba về cơ sở mở rộng gói hỗ trợ trị giá 2,9 tỷ USD cho Sri Lanka được lên kế hoạch vào giữa tháng 10. Đợt giải ngân tài chính tiếp theo có thể diễn ra vào tháng 11. Mặc dù có tiến triển, nhưng các quan chức IMF cảnh báo, đất nước này vẫn đang trong tình thế dễ bị tổn thương và việc duy trì mức tăng hiện tại là rất quan trọng để phục hồi bền vững. Ngoài ra, quốc gia Nam Á này cũng phải xem xét giải quyết tận gốc nguyên nhân của bất ổn như tình trạng tham nhũng và quản trị kém.

Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948, các chính phủ ở Sri Lanca đã chi nhiều hơn thu, dẫn đến lỗ hổng ngân sách khổng lồ. Nợ trong nước và nước ngoài liên tục gia tăng cùng thâm hụt lớn trong cán cân thương mại và tài khoản vãng lai khiến đất nước không đủ kinh phí để tạo ra môi trường đối ngoại thuận lợi. Bởi vậy, Sri Lanka cần một cuộc phục hưng toàn diện trong mọi khía cạnh, bao gồm cả mô hình kinh tế - chính trị mới.

Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội và giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài. Sự ổn định chính trị, đoàn kết nội bộ và sự hòa hợp xã hội cũng được coi là những yếu tố cần thiết để vượt qua các thách thức địa chính trị và thực hiện chính sách đối ngoại nhất quán.

Về đối ngoại, đất nước phải thiết lập các liên minh ngoại giao và kinh tế đa dạng để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước sự thay đổi quyền lực toàn cầu. Ngoài ra, Sri Lanka cần tăng cường năng lực hàng hải để bảo vệ chủ quyền trên biển.

Trong khi đó, mục tiêu trước mắt của Tổng thống Anura Kumara Dissanayake là phải bảo đảm Sri Lanka tuân thủ chương trình của IMF cho đến năm 2027, đưa nền kinh tế nước này vào con đường tăng trưởng ổn định; trấn an thị trường, trả nợ, thu hút các nhà đầu tư và giúp 25% người dân nước này thoát khỏi cảnh đói nghèo. Sri Lanka sẽ phải giảm nợ công từ 104% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống còn 95% và phải chi 4,5% GDP hằng năm để trả nợ nước ngoài sau khi chương trình cứu trợ của IMF kết thúc.

Giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, ông Anura Kumara Dissanayake được ghi nhận là Tổng thống đầu tiên của Sri Lanka không thuộc 2 đảng phái chính. Tuy nhiên, đây không phải chi tiết mà các cử tri thực sự quan tâm. Điều người dân kỳ vọng là “vị thuyền trưởng” mà họ đặt niềm tin sẽ hiện thực hóa cam kết đã đưa ra: “Chúng ta sẵn sàng viết lại lịch sử Sri Lanka”.