Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 30-9-2024

Thư Ký 30/09/2024 06:00

Chung kết Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024: Cuộc tranh tài sôi nổi, quyết liệt, hấp dẫn; Dư địa lớn để Hà Nội phát triển sản phẩm OCOP từ làng nghề; Đối thoại đa chiều để tháo gỡ vướng mắc; Cấp thiết cải thiện cảnh quan, môi trường mương Trúc Bạch; Quản lý chợ Hà Đông: Cần sớm giải quyết những tồn tại... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 30-9-2024.

Chung kết Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024: Cuộc tranh tài sôi nổi, quyết liệt, hấp dẫn

cac-dong-chi-lanh-dao-trung-uong-thanh-pho-ha-noi-dai-su-nuoc-ngoai-chay-huong-ung-giai-chay-bao-hanoimoi-mo-rong-lan-thu-49-vi-hoa-binh-nam-2024.-anh-quang-thai-2-.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, đại sứ nước ngoài chạy hưởng ứng Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024. Ảnh: Quang Thái

* 3.500 vận động viên chạy hưởng ứng và thi đấu

* Ban tổ chức giải trao 100 triệu đồng tới Quỹ Cứu trợ thành phố Hà Nội

Sáng 29-9, tại đền Bà Kiệu và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, chung kết Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 49 - Vì hòa bình năm 2024 đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, quyết liệt với sự tham dự của khoảng 3.500 người.

Đến dự Lễ khai mạc có: Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà; Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến; Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Hồ Quang Lợi; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng; Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức; Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ.

Cùng dự có: Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine, Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam cùng đại diện đại sứ quán các nước và các tổ chức, các trường quốc tế tại Hà Nội...

Dư địa lớn để Hà Nội phát triển sản phẩm OCOP từ làng nghề

san-xuat-cac-san-pham-tai-lang-nghe-dieu-khac-my-nghe-son-dong-huyen-hoai-duc-.-anh-do-tam.jpg
Sản xuất các sẩn phẩm tại làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Đỗ Tâm

Thủ đô Hà Nội - “cái nôi” của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Đây là dư địa lớn để thành phố phát triển sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, nhiều sản phẩm làng nghề đã được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP, giúp sản phẩm hoàn thiện hơn về mẫu mã, chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị...

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua, Chương trình OCOP đã giúp làng nghề tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để sản phẩm làng nghề vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, hồn cốt của quê hương đất nước, đồng thời có bước cải tiến phù hợp xu thế hiện đại, hội nhập, khẳng định vị thế sản phẩm làng nghề Hà Nội trên thị trường cả nước và quốc tế.

Chương trình OCOP góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề, tạo động lực cho các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề cho thế hệ sau; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, lịch sử của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Giải quyết thủ tục hành chính ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô: Đối thoại đa chiều để tháo gỡ vướng mắc

ho-tro-nguoi-dan-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-tai-bo-phan-mot-cua-so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-ha-noi.-anh-mai-hoa.jpg
Hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Ảnh: Mai Hoa

Đối thoại trực tiếp với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính là một giải pháp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, đơn vị phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam đã có cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.

Thời gian tới, chúng tôi tăng cường đối thoại đa chiều, tiếp tục nắm bắt những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, chủ động làm việc với các bộ, ngành, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc số hóa hồ sơ, thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện theo đúng quy trình nhóm thủ tục hành chính liên thông.

Cấp thiết cải thiện cảnh quan, môi trường mương Trúc Bạch

muong-truc-bach-quan-tay-ho-o-nhiem-nang-ne-anh-huong-den-cuoc-song-cua-nguoi-dan-va-canh-quan-moi-truong.jpg
Mương Trúc Bạch (quận Tây Hồ) ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và cảnh quan, môi trường.

Mương Trúc Bạch nằm trên địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) không chỉ góp phần tiêu thoát nước trong khu vực mà còn góp phần tô điểm thêm nét đẹp cho khu vực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, nơi mới được UBND quận Ba Đình xây dựng thành khu phố ẩm thực đêm. Tuy nhiên, con mương đang ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống dọc theo mương.

Mương Trúc Bạch (hay còn gọi là nhánh của hồ Trúc Bạch) có chiều dài khoảng 800m, một đầu nối sang hồ Trúc Bạch (phía phố Trúc Bạch thông sang đường Thanh Niên), một đầu nối với mặt hồ Trúc Bạch (phía phố Trấn Vũ). Nhiều năm qua, bờ mương phía Đảo Ngọc - Ngũ Xã bị nhiều hộ dân đổ đất lấn chiếm làm công trình phụ, đổ rác xuống lòng mương gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan.

Con mương này là nơi chứa toàn bộ nước thải từ các hộ dân hai bên bờ mương rồi chảy thẳng ra hồ Trúc Bạch. Dòng nước mương thường xuyên trong tình trạng đặc quánh, đen ngòm, nổi váng, nhiều rác và bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như sức khỏe của người dân quanh khu vực. Nước ở hồ Trúc Bạch cũng vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quản lý chợ Hà Đông: Cần sớm giải quyết những tồn tại

khu-vuc-via-he-cho-ha-dong-giap-pho-le-loi-quan-ha-dong-bi-chiem-dung-thanh-noi-kinh-doanh..jpg
Khu vực vỉa hè chợ Hà Đông giáp phố Lê Lợi (quận Hà Đông) bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh.

Là khu chợ chính lớn của quận Hà Đông, chợ Hà Đông có hơn một nghìn tiểu thương đang kinh doanh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, một số tồn tại ở khu chợ này chưa được Ban quản lý chợ và cơ quan chức năng quận giải quyết dứt điểm nên vẫn phát sinh tình trạng đơn thư. Tiểu thương mong muốn công tác quản lý chợ được tuân thủ đúng quy định, công khai, minh bạch để ổn định môi trường kinh doanh.

Trưởng ban Quản lý chợ Hà Đông Nguyễn Thị Loan cho biết, những tồn tại trên đều đang được xem xét giải quyết và chấn chỉnh. Cụ thể, việc quản lý ki ốt được thực hiện theo đúng hợp đồng thuê địa điểm về diện tích, giá thuê. Công tác đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình đều có đầy đủ hồ sơ về đầu tư xây dựng và được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. “Việc đầu tư xây dựng thêm ki ốt trong chợ để cho thuê, phá vỡ quy hoạch chợ là phản ánh không có cơ sở”, bà Nguyễn Thị Loan khẳng định.

Cũng theo bà Loan, về việc trông giữ xe máy, Ban quản lý chợ đã quán triệt và chỉ đạo cán bộ, viên chức tổ chức trông giữ xe theo đúng vé gửi, giá vé đã được niêm yết công khai. Nếu phát hiện trường hợp nào tự ý nâng giá vé sẽ bị xử lý nghiêm.