Bất ngờ với chuyến “Trị liệu rừng” ở nơi sát thành phố Hồ Chí Minh
Không có nhiều người ở thành phố Hồ Chí Minh nghĩ rằng chỉ cần đi khoảng 60km khỏi trung tâm thành phố, sẽ được đắm mình trong rừng cây nguyên sơ bên sườn núi đá lộng gió biển. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều khu rừng như thế.
Con đường mòn xuyên rừng men chân núi Tóc Tiên sang phía núi Thị Vải sáng nay (29-9) ngập tràn nắng và tiếng chim, lẫn với đó là tiếng gió rì rào trên những ngọn cây vươn tận trời xanh. Một con sóc nhỏ giật mình bám thân cây trèo thoăn thoắt lên cao khi nghe tiếng chân người, nhưng lũ bướm thì nhởn nhơ bay giữa những bông hoa dại đang khoe sắc dưới nắng. Trong cánh rừng này còn có ít nhất 2 gia đình heo rừng nữa. Có thể chúng đang thơ thẩn kiếm ăn đâu đó trên sườn núi kia chăng?
Tôi đã nhiều lần đi bộ xuyên rừng, nhưng những lần khác, tôi chỉ muốn đi thật nhanh để sớm thoát khỏi nơi chỉ toàn cây và biết đâu đấy, có những điều bất trắc không ngờ tới giữa thiên nhiên hoang dã như thế này. Còn lần này, tôi đi thật chậm, sẵn sàng dừng lại lâu bên một cây nho rừng trĩu những chùm quả sắp chín. Thậm chí, tôi còn ôm chặt một cây bạch đàn thân to đang kỳ bong vỏ giữa rừng bạch đàn ở chân núi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được mùi rừng. Lần đầu tiên tôi thấy rừng có quá nhiều điều kỳ thú để khám phá.
Tôi đang tham gia đoàn thử nghiệm “Trị liệu rừng - Forest Therapy” lần đầu tiên được tổ chức tại núi Tóc Tiên thuộc phường Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là trào lưu đang nở rộ tại Nhật Bản, Mỹ, Australia và nhiều nước châu Âu, nay “manh nha” du nhập vào Việt Nam.
Ban đầu, khái niệm “tắm rừng” xuất phát từ Nhật Bản trong thập niên 1980, khi cuộc sống thị thành, nhịp sống công nghiệp đang hằng ngày “bào mòn” những con người cả ngày "dính" vào ghế trong văn phòng, mắt dán chặt vào màn hình suốt 8 giờ làm việc và ngày càng trở nên khô khan và mệt mỏi.
Để giúp mọi người giảm căng thẳng, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp nhiều nguồn lực để cộng đồng tìm ra những cách giải quyết tình trạng này. Sự ra đời của khái niệm Shinrin-Yoku (tắm rừng) là kết quả của nỗ lực đó.
Để “tắm rừng”, người thực hiện sẽ đi bộ chậm rãi xuyên qua rừng hoặc những vườn cây, hoặc nơi có cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, mục đích là để sống chậm lại và kết nối với thiên nhiên bằng các giác quan... Đó là nơi mà mỗi người có thể tự tìm cho mình một chỗ để ngồi thoải mái trong yên lặng mà không sợ bị làm phiền hay cảm thấy gò bó. Nhắm đôi mắt lại, hít vào thở ra, dùng các giác quan để nhận biết thiên nhiên, môi trường... Bằng cách đó, con người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới để rồi có thể quay lại với công việc một cách hào hứng, hiệu quả hơn...
Chị Trần Minh Vân, một phụ nữ U60, là hướng dẫn viên đoàn trị liệu rừng hôm nay. Chị đã thuyết phục được nhóm chúng tôi tham gia trải nghiệm trị liệu rừng bằng chính vẻ ngoài nhanh nhẹn, khỏe khoắn với giọng nói đầy năng lượng của mình. Những kiến thức về “dinh dưỡng tinh thần, thể chất” mà rừng có thể mang lại cho con người từ lá cây, không khí, khoảng trời qua kẽ lá.... của chị Vân khiến nhóm dân văn phòng chúng tôi thêm tràn trề hy vọng có thể cải thiện sức khỏe để chọn ngày cuối tuần không ngủ nướng, chạy xe hơn 1 giờ đồng hồ để vượt quãng đường 60km từ thành phố Hồ Chí Minh về núi Tóc Tiên để “tắm rừng” từ 8h sáng.
Chị Vân đang là học viên người Việt Nam duy nhất tham gia khóa huấn luyện hướng dẫn viên trị liệu rừng quốc tế do INFTA (Liên minh Trị liệu rừng và tự nhiên quốc tế có trụ sở tại Đức) tổ chức, với những khóa học gắn với thực hành tại nhiều địa điểm trên thế giới. Mục tiêu là phổ biến “đơn thuốc xanh” cho mỗi người bằng cách thực hiện những cuộc đi bộ rất chậm trong công viên hoặc khu rừng, để “tắm các giác quan của mình trong thiên nhiên” nhằm gắn kết với tự nhiên để thấy mình khỏe hơn.
“Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những nơi lý tưởng ở Việt Nam để phát triển mô hình trị liệu rừng. Ở đây có Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn ở nước ta, với diện tích 10.509ha. Có Vườn quốc gia Côn Đảo với diện tích gần 15.043ha cả rừng nguyên sinh và biển. Có những khu rừng trên núi Dinh, Tóc Tiên, Thị Vải... chỉ cách các đô thị lớn ở Đông Nam Bộ khoảng 1 giờ chạy xe. Từ đầu những năm 2000, tỉnh đã có chủ trương phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực này theo hướng phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ thiên nhiên...”, chị Vân thông tin.
Người phụ nữ mạnh mẽ này sinh ra, lớn lên tại Hà Nội. Sau hơn 35 năm nỗ lực không ngừng để thành công trong lĩnh vực đá xây dựng, đá mỹ nghệ ở thị trường trong nước và quốc tế, chị bỗng dừng mọi công việc kinh doanh từ năm 2018 để nhận chăm sóc hơn 80ha rừng trên núi Tóc Tiên; tái khởi nghiệp ở tuổi U60 bằng việc lập ra Công ty Đất Tiên để thực hiện công việc truyền tải thông điệp con người gắn kết thiên nhiên; yêu và bảo vệ rừng; tôn trọng sự đa dạng sinh học của tự nhiên dưới nhiều hình thức. Mới nhất là những khóa “Trị liệu rừng” này.
Chị nói: “Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp đầu tư, hoạt động. Tuần trước, sau khi có đơn trình bày của doanh nghiệp đến UBND tỉnh, chúng tôi đã được tiếp đoàn công tác của sở, ngành có liên quan về khảo sát, hướng dẫn công ty triển khai các bước thí điểm phát triển hệ sinh thái dưới tán rừng phục vụ bảo vệ rừng và phát triển du lịch có chọn lọc. Tôi tin khu vực này với những rừng tre trúc, rừng nho, rừng bạch đàn; những cây hàng trăm năm tuổi; những hang dơi độc đáo... sẽ sớm trở thành điểm du lịch sinh thái mới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi chỉ mong mình đủ sức, đủ lực để giữ mãi được sự đa dạng sinh học nơi đây, để có thêm nhiều người biết, quý mến và bảo vệ rừng hơn nữa”.
Trưa cuối tuần đầy nắng gió. Chúng tôi ra khỏi cửa rừng lúc mặt trời đứng bóng, nhưng những tán lá cây nhiều tầng đã che mát cả đoàn để mọi người vẫn còn nguyên những cảm giác đủ đầy, sảng khoái và nhẹ nhàng sau gần 3 giờ “tắm rừng” tràn trề năng lượng từ thiên nhiên. Mỗi người đều cảm thấy như những cục pin cạn kiệt, nay được sạc đầy để ngày mai lại sẵn sàng thực hiện công việc thường nhật một cách hào hứng và hiệu quả hơn.