Văn hóa

Truyện tranh Việt nhìn từ “tượng đài Đôrêmon”

Hạ Yến 29/09/2024 - 13:47

Đã 32 năm kể từ khi chú mèo máy Đôrêmon đến Việt Nam để rồi mở ra một thế giới manga đầy mới lạ và vô cùng hấp dẫn cho độc giả thiếu nhi nước Việt.

Không chỉ vậy, sự xuất hiện của bộ truyện tranh "Đôrêmon" đã làm thay đổi tư duy xuất bản của đội ngũ những người làm sách, để đến nay đã có một thị trường truyện tranh Việt thật phong phú, đa dạng...

do-re1.jpg
Đông đảo độc giả đến tham quan triển lãm “Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam”. Ảnh: VICAS Art Studio

“Mốc son” táo bạo

Những năm đầu thập niên 1990, khi biết đến bộ truyện "Đôrêmon" của Nhật Bản rất thành công ở các nước châu Á, Giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Thắng Vu đã quyết định giới thiệu bộ truyện này tới độc giả Việt. Trước đó, chưa từng có bộ truyện tranh Nhật Bản nào được xuất bản tại Việt Nam, nên đội ngũ thực hiện đều rất bỡ ngỡ. Nhà văn Lê Phương Liên, biên tập viên bộ truyện "Đôrêmon" bản năm 1992 kể lại: “Khi ấy, chỉ có họa sĩ miền Nam mới vẽ được dạng truyện có tranh và lời lồng vào nhau, nên chúng tôi phải vào miền Nam để mời họa sĩ Đức Lâm hợp tác. Việc in ấn cũng được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy rất ít người biết tiếng Nhật, tiếng Thái nên chúng tôi phải nhờ đến các “dịch giả” là các phiên dịch ngoại giao, cán bộ đại sứ quán, biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam để chuyển ngữ truyện "Đôrêmon" nguyên bản tiếng Nhật và phiên bản tiếng Thái. Chúng tôi học theo bản dịch của Thái Lan là vừa dịch vừa biên soạn để “Việt hóa” cho độc giả thiếu nhi trong nước làm quen dần”.

Khi tổ chức thực hiện và chuẩn bị xuất bản, nhiều người cho rằng bộ truyện khó có thể bán được bởi khá lạ với độc giả Việt. "Chưa bao giờ vừa mở trang sách ra lại chỉ thấy những chữ “píp píp pịp pịp” “brừm”, rồi vừa phải nhìn tranh vừa đọc chữ phối hợp, và cũng không biết xếp thể loại cho truyện "Đôrêmon" này vào đâu, không phải khoa học viễn tưởng, cũng không phải sinh hoạt thiếu nhi” - nhà văn Lê Phương Liên cho biết. Thế nhưng, chỉ sau một tuần phát hành, bộ “tranh truyện hiện đại Nhật Bản Đôrêmon” (4 tập) đã bán hết 40.000 bản và tạo nên một cơn sốt tranh truyện trên toàn quốc. Đặc biệt, con số tái bản theo đơn đặt hàng tưởng như là một “giấc mộng” - 160.000 bản/4 tập - trong bối cảnh ngành xuất bản bấy giờ đang nhiều khó khăn, sách không bán được.

Mở ra một “thời đại” manga tại Việt Nam

Sau 3 năm NXB Kim Đồng phát hành bộ truyện "Đôrêmon" không bản quyền với 78 tập, năm 1996, tác giả Fujiko F Fujio đã đến thăm Việt Nam và hoàn tất thủ tục ký kết bản quyền xuất bản. Và truyện "Đôrêmon" khi tái bản lần thứ nhất, năm 1998, đã trở thành bộ truyện tranh ngoại nhập đầu tiên có bản quyền ở Việt Nam, trước cả khi Việt Nam chính thức gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật. Năm 2010, NXB Kim Đồng chính thức dừng xuất bản các đầu sách với tên gọi "Đôrêmon", thay thế bằng "Doraemon" với bản dịch bám sát theo bản gốc tiếng Nhật cùng quy cách, định dạng và hình thức đọc sách từ phải qua trái như bản gốc.

Cái tên "Doraemon" có vẻ “xa lạ” cùng cách đọc “ngược” này đã từng gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng người đọc Việt, nhưng cho đến thời điểm này, một thế hệ độc giả nhỏ tuổi trong nước đã hoàn toàn quen thuộc với cách gọi tên nhân vật mới, cách đọc truyện mới. Và không chỉ có "Doraemon", hàng loạt các truyện manga Nhật được xuất bản hoặc tái bản sau này như "Dragon Ball", "Siêu quậy Teppi", "Tsubasa - giấc mơ sân cỏ", "Nhóc Maruko", "Thị trấn mèo"... cũng “định dạng” bám sát bản gốc như vậy. Nhà nghiên cứu độc lập về truyện tranh Nguyễn Anh Tuấn (Chu Kim) nhận định: “Từ ấn bản "Đôrêmon" không bản quyền năm 1992 với hình thức độc nhất vô nhị và nội dung được biên tập để phù hợp với tâm tư, nhận thức của bạn đọc trong những năm đầu mở cửa, tới ấn bản "Đôrêmon" có bản quyền năm 1998 với nội dung hòa hợp giữa tinh thần của bản 1992 và bản gốc đem đến ấn tượng mới mẻ về sự tôn trọng sản phẩm trí tuệ, cho đến ấn bản "Doraemon" từ 2010 trở về sau sát với bản gốc đưa trải nghiệm của độc giả Việt Nam tiệm cận với trải nghiệm của cộng đồng hâm mộ Doraemon trên toàn cầu. Có thể nói, bộ manga này chính là một đại diện tiêu biểu cho quá trình phát triển và hội nhập của ngành xuất bản truyện tranh Việt Nam nói riêng, toàn cảnh văn hóa đại chúng Việt Nam nói chung”.

Kể từ sau sự xuất hiện của chú mèo máy thông minh Doraemon đến nay, thị trường truyện tranh manga tại Việt Nam thực sự được nở rộ với lượng người hâm mộ và ủng hộ đông đảo, không chỉ ở độc giả thiếu nhi mà còn cả ở những người trưởng thành. Đặc biệt, sự nở rộ ấy đã mở ra cơ hội cho những bộ truyện tranh “made in Vietnam” chào đời như "Cô tiên xanh", "Tý quậy", "Thần đồng đất Việt", "Sơn goal!", "Mèo mốc", "Gia đình gãi ngứa"... qua đó đã bước đầu “hé lộ” một hy vọng về nền công nghiệp truyện tranh đầy tiềm năng trong tương lai.