Y tế

Hà Nội siết chặt quản lý cơ sở hành nghề y, dược tư nhân: Đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầuBài cuối: Cần sửa đổi quy định để nâng cao hiệu quả quản lý

Việt Tuấn 29/09/2024 - 06:15

Từ những bất cập trong quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương, UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã nhiều giải pháp. Trong đó, kiến nghị cần bổ sung, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cho phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới và sự phát triển của kinh tế - xã hội.

y-duoc.jpg
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tại huyện Đông Anh.

Tăng mức xử phạt cơ sở spa, dịch vụ thẩm mỹ vi phạm

Tại các buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố, trước những bất cập, khó khăn trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân, các quận, huyện, thị xã đã kiến nghị, đề xuất những giải pháp từ thực tiễn cơ sở. Trong đó, UBND quận Cầu Giấy đề nghị Bộ Y tế thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân. Cụ thể, khung xử phạt hành vi được quy định tại Khoản 6, Điều 40 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (ngày 28-9-2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế đối với các cơ sở spa, dịch vụ thẩm mỹ vi phạm, mức 20-30 triệu đồng là quá thấp, không đủ tính răn đe, đề nghị mức tăng mức xử phạt cao hơn (mức 40-50 triệu đồng).

Còn theo UBND huyện Đông Anh, cần bổ sung các quy định xử phạt liên quan đến giấy phép hoạt động và giấy phép hành nghề (đã có thời hạn), cập nhật kiến thức y khoa, kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa…

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Hoàng Thị Tú Anh cho rằng, cần phải tăng cường quản lý những dịch vụ thẩm mỹ viện, chăm sóc da… bởi thực tiễn đã xảy ra vụ việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, các quận: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế xem xét đưa loại hình cung cấp dịch vụ thẩm mỹ (thẩm mỹ viện, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, spa,...) vào loại hình kinh doanh có điều kiện cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp phép do cung cấp dịch vụ có liên quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sớm hoàn thiện phần mềm quản lý sức khỏe dùng chung

Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên, sau giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã kiến nghị với Bộ Y tế sớm hoàn thiện phần mềm quản lý sức khỏe dùng chung toàn quốc để quản lý hệ thống thông tin y tế và thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân; liên thông dữ liệu quốc gia về y tế giữa các tuyến từ trung ương tới địa phương và giữa các cơ sở y tế. Bộ Y tế có hướng dẫn về công tác quản lý nhà nước đối với thẩm mỹ viện, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, spa…, xem xét đưa các dịch vụ này vào loại hình kinh doanh có điều kiện.

Đối với UBND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đề nghị chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các phòng khám chuyên khoa, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược, nhà thuốc… UBND thành phố cũng cần chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và giữa cấp thành phố với quận, huyện, thị xã trong công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, tránh sự chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài, người nước ngoài hành nghề tại các cơ sở y, dược tư nhân.

Đối với giải pháp về nhân lực, Thường trực HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách, xem xét bổ sung biên chế, nguồn nhân lực bảo đảm bộ máy đáp ứng công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân ngày càng phát triển trên địa bàn thành phố. Căn cứ các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi), UBND thành phố chỉ đạo xây dựng tiêu chí cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại trong lĩnh vực y tế thuộc phạm vi quản lý của thành phố; tham mưu xây dựng chế độ, chính sách về nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong đó có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập.

Đối với Sở Y tế, cần công khai các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã được cấp giấy phép hoạt động, cơ sở ngừng hoạt động, cơ sở vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, lựa chọn và cùng theo dõi, giám sát. Sở cũng cần tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho nhân dân để cảnh giác, không sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh trái phép hoặc hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép, không bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Thường trực HĐND thành phố cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân đối với công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý; phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Rõ ràng, thông qua đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã giúp các ngành, địa phương nhìn nhận lại những mặt được và còn hạn chế trong công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân. Từ đó, các bên cùng thống nhất về những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, tháo gỡ khó khăn, phát huy hết tiềm năng của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.