Đô thị

Hà Nội rút lệnh báo động lũ sông Bùi, giảm ngập lụt khu dân cư

Kim Nhuệ 28/09/2024 - 20:25

Chiều tối nay (28-9), Hà Nội rút lệnh báo động lũ cấp II trên sông Bùi. Các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ giảm nhanh số hộ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

lu-song-bui-day.jpg
Lũ sông Bùi - Đáy tiếp tục rút, nhiều khu dân cư ven sông thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức thoát ngập lụt. Ảnh Bảo Châu

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, lúc 16h chiều nay (28-9), mực nước sông Bùi tại Trạm Thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 6,47m; trong khi mực nước báo động lũ cấp II là 6,5m.

Căn cứ mực nước thực đo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh rút báo động lũ cấp II trên sông Bùi vào hồi 16h ngày 28-9 tại địa phận xã ven đê thuộc các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Cập nhật về tình hình ngập lụt, huyện Chương Mỹ cho biết, tính đến 15h30 ngày 28-9, trên địa bàn huyện còn 2.460 hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt; 1.103 hộ dân vẫn phải tạm ngừng cấp điện sinh hoạt do ngập lụt...

an-phu-ngap-28.jpg
Xã An Phú (huyện Mỹ Đức) chiều nay vẫn còn 30 hộ dân bị ngập lụt. Ảnh Kim Nhuệ

Còn huyện Mỹ Đức, tính đến 16h chiều nay, trên địa bàn còn khoảng 121 hộ dân nước chưa rút khỏi nhà ở, ảnh hưởng 375 người; trong đó xã An Phú còn 30 hộ, xã Hợp Thanh 85 hộ, xã Hợp Tiến 6 hộ.

Cập nhật về thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, chiều tối và đêm nay, vùng núi và trung du Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi cao hơn 80mm. Từ chiều tối 29 đến 30-9, các tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 200mm. Trong mưa dông, miền Bắc có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại những nơi trũng, thấp...

Trước dự báo trên, chiều tối 28-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố miền Bắc và Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Cùng nhiệm vụ trên, các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại, nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Các tỉnh, thành phố tổ chức vận hành và triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản. Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...