Thủ tướng nêu 5 bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai
Sáng 28-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố phía Bắc ảnh hưởng bão số 3.
Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố…
Tổn thất lớn, nhiều tồn tại, hạn chế
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với 6 đặc điểm chưa từng có tiền lệ; trong đó, mưa đặc biệt lớn trên diện rộng, xuất hiện lũ lịch sử trên 7 tuyến sông lớn. Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, ứng phó với bão, mưa, lũ, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã vào cuộc với tinh thần khẩn cấp, quyết liệt, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời gian rất ngắn đã gây tổn thất nặng nề tại 26 tỉnh, thành phố từ vùng biển, đồng bằng đến trung du, miền núi. Đặc biệt, bão lũ, sạt lở đất đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước tính ban đầu khoảng 81.503 tỷ đồng...
Công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được triển khai chủ động, kịp thời. Các hạ tầng được khắc phục cơ bản. Chính phủ quyết cấp 400 tấn gạo và 350 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", tính đến hết ngày 23-9, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.714 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ; Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng; nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt; nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các bộ: Y tế, Tài chính, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo… và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng… đã tổng kết, rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.
Đồng thời, chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, đó là, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp, như: Gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.
Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt... Công tác dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành. Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó…
Nhiều nhiệm vụ cần làm ngay
Kết luận Hội nghị, điểm lại tình hình diễn biến, mức độ của bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, những thiệt hại nặng nề về người, tài sản; đồng thời nêu kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, nhất là trong dự báo, cảnh báo; thông tin, tuyên truyền; lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là về người, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém để cùng rút kinh nghiệm, làm tốt hơn khi xảy ra tình huống thiên tai phức tạp sau này.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai. Trong đó, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, sát sao, quyết liệt, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước, nhân dân lên trên hết, trước hết để huy động mọi nguồn lực vào công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.
Các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các chỉ đạo của các cấp để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt, coi trọng công tác truyền thông, thông tin dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả với thiên tai.
Thời gian tới, với tinh thần “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói rét, thiếu nước uống, không có chỗ ở; học sinh phải được đến trường; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh; tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17-9-2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét phân bổ kinh phí hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ bảo đảm đời sống cho người dân, sớm hỗ trợ các hộ dân xây dựng lại nhà cửa bị sập đổ để người dân có chỗ ở, chỗ sinh hoạt, hoàn thành trước 31-12-2024; rà soát lại thiệt hại và tổ chức khắc phục hạ tầng về giao thông, điện, viễn thông, thủy lợi; khẩn trương khôi phục hạ tầng tại các cơ sở giáo dục, y tế, cụ thể là các trạm xá, trường học, hoàn thành trong tháng 10-2024.
Cùng với đó hoàn thiện thể chế về hỗ trợ, khắc phục thiên tai, hoàn thiện trong tháng 10-2024; hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự để chủ động ứng phó với các tình huống; tiếp tục rà soát các chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng; sơ kết, tổng kết đề xuất khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống, thích ứng, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời xử lý những cá nhân, tập thể làm không tốt, thậm chí vi phạm…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng quy hoạch, phương án, giải pháp lâu dài nâng cao khả năng ứng phó, phòng, chống thiên tai.
“Đặc biệt, các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính và tỉnh Phú Thọ phải hoàn thành công tác đầu tư, xây dựng cầu Phong Châu chậm nhất trong năm 2025...”, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ.