Đường dây nóng

Xử lý xe quá tải chở vật liệu làm rơi vãi gây ô nhiễm môi trường: Đừng để "ném đá ao bèo"!

Nguyên Hà 28/09/2024 - 07:38

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý gần 900 trường hợp xe chở hàng quá tải và hơn 1.500 trường hợp gây mất vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển đất, cát.

Thế nhưng, vi phạm vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và sinh hoạt của người dân. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng. Nếu không, việc kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ chỉ như "ném đá ao bèo".

roi-vai-vat-lieu.jpg
Do ảnh hưởng từ việc rơi vãi vật liệu trong quá trình vận chuyển, một tuyến đường giao thông qua xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) ngập trong cát bụi.

Vi phạm ở nhiều nơi

Khảo sát trên địa bàn huyện Đông Anh, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy mật độ xe quá tải, chở đất và vật liệu xây dựng qua lại trên các tuyến giao thông tăng cao hơn so với trước đây. Đơn cử như trên đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp…, ngay từ sáng sớm đã xuất hiện rất nhiều xe chở vật liệu xây dựng ra, vào các công trình đang thi công.

Trên quốc lộ 3, đoạn qua xã Mai Lâm, các phương tiện chở cát không được che chắn cẩn thận, liên tục làm rơi vãi cát xuống mặt đường. Do lưu cữu, không được thu dọn kịp thời, nên hiện nay đoạn đường từ chân cầu Đuống đến lối rẽ vào xã Dục Tú có lớp dày bụi cát, mỗi khi có phương tiện đi qua, bụi bay mù mịt. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm quan sát của người tham gia giao thông.

Để xử lý vấn đề trên, từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện Đông Anh đã kiểm tra, xử phạt 58 trường hợp làm rơi vãi vật liệu với 174 triệu đồng. Thế nhưng, do trên địa bàn đang có nhiều dự án xây dựng nên hằng ngày vẫn phát sinh một lượng lớn xe vi phạm, nhất là vào ban đêm, khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường.

Tình trạng xe chở đất, cát quá tải, che chắn sơ sài làm rơi vãi vật liệu, bùn đất trên đê sông Hồng và các tuyến đường đi qua khu dân cư cũng khá phổ biến trên địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên…

Đơn cử, tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), sau khi dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tình trạng xe ra vào các bãi tập kết, buôn bán cát, sỏi trên địa bàn ngày càng tấp nập.

Càng về đêm khuya, mật độ phương tiện càng lớn, tiếng động cơ gây ồn ào khiến người dân địa phương không thể yên giấc. Đáng nói hơn, tình trạng cát bụi liên tục tích tụ đã khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đe dọa đến sức khỏe người dân.

Cần xử lý mạnh tay

Chiều 25-9, trở lại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), phóng viên nhận thấy từng đoàn xe quá khổ, quá tải vẫn tấp nập nối đuôi nhau vào các điểm trung chuyển cát, sỏi trên địa bàn, song không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Mai Văn Ngừng cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có gần 10 bãi tập kết cát, sỏi, đa số thuộc đơn vị thi công đường Vành đai 4. Do nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công, liên tục sử dụng đất, cát để san lấp mặt bằng dẫn đến việc nhiều xe trọng tải lớn ra vào khu vực tập kết nguyên liệu ngoài đê sông Hồng. Để ngăn chặn tình trạng vật liệu rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường, UBND xã đã phối hợp với lực lượng chức năng huyện Thường Tín lập chốt kiểm tra, yêu cầu các lái xe, chủ bãi phun rửa xe, căng vải bạt, che chắn cẩn thận thùng xe theo đúng quy định trước khi tham gia giao thông.

"Thế nhưng, mỗi khi không có lực lượng chức năng chốt trực, vi phạm lại tái diễn. Thậm chí, có nhà xe còn cố tình cơi nới thành thùng, để tăng khối lượng vận chuyển", ông Mai Văn Ngừng nói.

Còn tại huyện Đông Anh, theo Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện Đông Anh Lê Quang Vinh, có một nguyên nhân khiến việc xử lý vi phạm gặp khó khăn là hệ thống biển báo trên địa bàn nhiều nơi chưa thay đổi theo quy chuẩn.

Chẳng hạn như trên đoạn đường dài 10km nối từ xã Tàm Xá đến xã Đại Mạch, nhiều chỗ biển báo đã bị sơn đen, cũ, gãy, một số biển lại do Sở NN&PTNT cắm. Bên cạnh đó, mỗi khi lực lượng chức năng rời trụ sở đi tuần tra, các đối tượng vi phạm bố trí người theo dõi, thông tin cho lái xe để chạy đường vòng tránh chốt.

"Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần có sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền, nếu không, việc kiểm soát, xử lý sẽ không xuể”, ông Lê Quang Vinh khẳng định.

Khoản 1, Điều 72, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định khi vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô, các lái xe phải che đậy, không để rơi vãi. Nếu không chấp hành, lái xe bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng theo Điều 20 Nghị định số 100/NĐ-CP (ngày 30-12-2019) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Chế tài đã có nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra cho thấy sự coi thường pháp luật của các lái xe. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất là lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý một cách nghiêm minh.