Tình báo Mỹ dự báo phản ứng của Nga nếu bị Ukraine tấn công bằng vũ khí tầm xa
Theo đánh giá của tình báo Mỹ, nếu phương Tây đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga, cục diện cuộc chiến về cơ bản không thay đổi, nhưng Moskva có thể phản ứng mạnh mẽ.
Tình báo Mỹ cũng đánh giá thấp ảnh hưởng mà tên lửa tầm xa sẽ tác động tới cục diện xung đột vì hiện nay Ukraine chỉ có số lượng hạn chế vũ khí này và không rõ họ sẽ nhận thêm bao nhiêu từ các đồng minh phương Tây.
Đánh giá này cho thấy các nhà phân tích tình báo Mỹ coi phản ứng của Nga là rủi ro tiềm tàng và kết quả của động thái cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa chưa chắc đã tích cực. Quyết định có cho sử dụng hay không giờ hoàn toàn thuộc về Tổng thống Joe Biden, người vừa gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 26-9.
Những đánh giá này có thể giải thích một phần lý do tại sao Tổng thống Biden lại khó quyết định đến vậy và cho thấy áp lực nội bộ mà ông phải đối mặt khi từ chối yêu cầu của ông Zelensky. Các quan chức Mỹ cho biết vẫn chưa rõ ông Biden sẽ quyết định như thế nào.
Tổng thống Zelensky đã vận động cả công khai và đằng sau hậu trường để có quyền sử dụng các tên lửa nhằm tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên cảnh báo Mỹ và các nước phương Tây không cung cấp thêm hệ thống vũ khí tiên tiến cho Ukraine.
Xem video phóng tên lửa ATACMS trong diễn tập ở một điạ điểm không xác định tại Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Nguồn: Reuters
Những người chỉ trích Tổng thống Biden cho rằng ông đã bị những cảnh báo này tác động quá dễ dàng. Họ cho rằng cách tiếp cận từng bước của chính quyền Mỹ trong trang bị vũ khí cho Ukraine đã gây bất lợi cho nước này trên chiến trường với Nga. Trái lại, những người ủng hộ cách tiếp cận này cho rằng nhờ đó mà tránh được một phản ứng mạnh mẽ từ Nga.
Trong khi đó, các lãnh đạo Anh tỏ ra ít e dè hơn về rủi ro. Anh ủng hộ việc cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa mà họ đã cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhưng họ đang chờ ông Biden đưa ra quan điểm về vấn đề này trước khi đồng ý, vì phản ứng của Nga có thể ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ liên minh.
Đánh giá tình báo mô tả một loạt các phản ứng tiềm tàng của Nga khi phương Tây đưa ra quyết định như vậy. Các động thái có thể gồm gia tăng các hành động phóng hỏa và phá hoại nhằm vào các cơ sở ở châu Âu, tấn công gây chết người nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ và châu Âu.
Các quan chức Mỹ cho rằng cơ quan tình báo quân sự của Nga (GRU) sẽ thực hiện các hoạt động gây hại cho phương Tây một cách bí mật để giảm thiểu rủi ro xung đột lớn hơn, thay vì tấn công công khai nhằm vào các cơ sở và căn cứ của Mỹ và châu Âu.
Mỹ và các đối tác liên minh đã cung cấp cho Ukraine ba loại hệ thống tên lửa tầm xa: Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất và tên lửa SCALP do Pháp cung cấp.
Một số tên lửa này đã được Ukraine sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở và xung quanh Bán đảo Crimea.
Theo những người ủng hộ cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa này để tấn công lên tới hơn 300km vào lãnh thổ Nga, điều này sẽ giúp Ukraine nhắm đến các căn cứ và kho đạn dược xa hơn, từ đó gây khó khăn cho Nga khi muốn cung cấp cho các lực lượng trên các mặt trận bên trong Ukraine và có thể giúp Ukraine ngăn chặn các cuộc tiến công của Nga. Họ cho rằng điều này cũng sẽ thể hiện rằng phương Tây ủng hộ mạnh mẽ Ukraine vào thời điểm khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, trong đánh giá, các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, ngay cả khi Ukraine được phép sử dụng các tên lửa tầm xa tấn công Nga, họ sẽ không có đủ số lượng vũ khí để làm thay đổi cục diện xung đột.
Hơn nữa, sau các cuộc tấn công đầu tiên, tình báo Mỹ dự đoán rằng Nga có khả năng sẽ di chuyển các kho đạn, các vị trí chỉ huy, trực thăng tấn công và các chức năng quan trọng khác ra ngoài tầm bắn của các tên lửa.
Theo chỉ đạo của Tổng thống Biden, quân đội Mỹ có thể cung cấp thêm ATACMS cho Ukraine. Nhưng các quan chức nói rằng bản thân quân đội Mỹ cũng chỉ có nguồn cung hạn chế các tên lửa này và cần giữ lại một số lượng đủ dùng cho các nhu cầu quân sự của mình.
Về phần mình, vào ngày 12-9, Tổng thống Putin cảnh báo việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây chống Nga đồng nghĩa với việc các nước NATO sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự ở Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Nga, sự can dự này sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột và Moskva sẽ đưa ra các quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa đang phải đối mặt.
Liên quan tới vấn đề nêu trên, vào hôm 11-9, Điện Kremlin cảnh báo Moskva sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng tên lửa do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moskva sẽ tiêu diệt bất kỳ lô tên lửa mới nào thuộc ATACMS mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine.
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố trên tài khoản Telegram rằng nước này sẽ coi Mỹ cùng các đồng minh là các bên tham chiến ở Ukraine, khẳng định Moskva sẽ dùng vũ khí mạnh hơn nếu phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.