Xã hội

Nhớ ngày tiếp quản Thủ đô

Dương Linh 27/09/2024 - 12:14

Là một trong những thanh niên Hà Nội tham gia công tác tiếp quản Thủ đô, ông Chu Điềm vẫn nhớ mãi về những ngày mùa thu lịch sử cách đây tròn 70 năm.

Người cựu thanh niên xung phong ngày ấy bây giờ đã ở tuổi cổ lai hy, nhưng tinh thần và nụ cười vẫn vẹn nguyên như buổi sáng 10-10-1954. Ông luôn miệng nói rằng: “Được góp một phần công sức trong những ngày vào tiếp quản Thủ đô là niềm vinh dự lớn lao của tôi...”.

Thời khắc không quên

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương tiếp quản Thủ đô Hà Nội của Trung ương Đảng và Chính phủ, tháng 7-1954, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác tiếp quản Thủ đô tại Thái Nguyên, với khoảng 300 đội viên. Ông Chu Điềm (sinh năm 1933) ở làng Cổ Nhuế, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, vinh dự là một trong số đó.

ong-diem-5.jpg
Ông Chu Điềm, đội viên Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Bảo Lâm

Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Chu Điềm không giấu được niềm tự hào: “Chúng tôi là những học sinh, đoàn viên ưu tú trong các trường trung học kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc vinh dự được lựa chọn, tiếp nhận vào đội. Chúng tôi ai nấy đều thấy rất vinh dự, tự hào khi được Đảng, Đoàn tin cậy tập hợp bồi dưỡng, giao nhiệm vụ. Đến đầu tháng 10-1954, chúng tôi hành quân đi bộ từ tỉnh Thái Nguyên về Hà Nội. Một số vào trước, làm nhiệm vụ tiền trạm, cùng với bộ đội tiếp quản các cơ sở hành chính, quân sự, còn tôi về tới Thủ đô ngày mùng 5-10”.

Ngày ấy, theo hiệp định Giơnevơ, quân ta được vào để chuẩn bị cho ngày tiếp quản, quân Pháp cho xe ra đón các đội viên. Chiếc xe được bịt kín và các đội viên được yêu cầu giữ im lặng. Nhưng các đội viên cũng như ông Điềm tìm cách vén tấm bạt, lách cánh tay qua vẫy mọi người. “Khi nhìn thấy người dân trên các ban công đang vẫy chào lại, chúng tôi vui sướng lắm, 9 năm mới được quay trở về”, ông Điềm kể lại.

“Nhiệm vụ của các đội viên Đội TNXP công tác tiếp quản Thủ đô là tiếp cận với nhân dân để tuyên truyền, giải đáp khúc mắc cho người dân, giải thích cho nhân dân hiểu về chính sách tiếp quản của Đảng và Nhà nước; dọn dẹp, trang hoàng đường phố; tuyên truyền, vận động thanh niên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, đặc biệt là làm sao tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón đoàn quân trở về Thủ đô…”, ông Điềm cho hay.

Ông Chu Điềm kể về những ngày tham gia Đội thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Bảo Lâm.

16h ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Đêm hôm đó, Đội TNXP mỗi người một việc, tất cả đều tất bật, náo nức chuẩn bị cho ngày trọng đại. Người thì cắt dán khẩu hiệu, người phát cờ, người chuẩn bị sẵn loa cho sáng hôm sau hướng dẫn nhân dân ra đón các cánh quân từ các cửa ô tiến vào Hà Nội…

Ông Chu Điềm được giao nhiệm vụ giữ trật tự ở khu vực hồ Hoàn Kiếm. Điều ông Chu Điềm nhớ mãi là sáng sớm 10-10, cả thành phố rực rỡ cờ hoa. Trên nóc Tháp Rùa đã xuất hiện một lá cờ Tổ quốc tung bay.

“Mới tối qua, tất cả vẫn còn im lìm, nhưng chỉ sau một đêm, cứ như một giấc mơ, thành phố như ngày hội lớn. Thế rồi, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân chiến thắng trở về, tiếp quản Thủ đô. Tiếng hò hát, tiếng đàn, tiếng trống và tiếng cười hòa vào làm một, tạo nên không khí tưng bừng. Trong lòng tôi vui sướng không tả xiết, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ, là nhắc nhở mọi người giữ gìn trật tự để đoàn quân đi qua thuận lợi, chỉnh tề, nhưng mọi người cứ ùa ra vây kín đoàn xe, các anh bộ đội…”, ông Điềm bồi hồi nhớ lại.

ong-diem-1.jpg
Ông Chu Điềm (người thứ 2 từ trái qua phải) cùng các đồng đội của mình trong ngày gặp mặt. Ảnh: Bảo Lâm.

Sau ngày đó, ông Chu Điềm tiếp tục xuống các khu phố, làm nhiệm vụ tập hợp thanh thiếu niên; giữ gìn an ninh trật tự cùng phân đội ở Ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến… Hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, ông Chu Điềm được cử đi học ở Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Cuối năm 1955, ông được phân về Tổng cục Đường sắt, tham gia xây dựng ngành.

Lao động quên mình

Những năm tiếp theo sau đó, ông Điềm được phân công đi học tiếng Trung để làm phiên dịch trợ giảng Hoa văn cho công nhân trên tuyến đường sắt Hà Mục (Hà Nội - Mục Nam Quan), nay là tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Từ một công nhân, ông Chu Điềm trở thành cán bộ kỹ thuật, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, được giao trọng trách Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Cục Đầu máy toa xe…

ong-diem-4-1-.jpg
Ông Chu Điềm cùng người vợ với hơn 60 năm gắn bó. Ảnh: Bảo Lâm.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước gian khổ nhất của ngành Giao thông vận tải, ông Chu Điềm được điều phái tăng cường vào Khu 4, trực tiếp điều hành, duy tu đường sắt; xử lý tàu đổ, cứu hộ, cứu nạn…

“Nơi nào ác liệt thì có mặt tôi. Thời điểm năm 1968, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang rất dữ dội, mọi thứ cần chi viện cho miền Nam. Vì thế, tuyến đường sắt của miền Trung bị đánh phá ác liệt. Nhiều trận bom kinh hoàng, dẫn đến đổ tàu hỏa, hỏng đường sắt… Tôi đã chứng kiến nhiều thương vong của đồng chí, đồng nghiệp. Tôi còn nhớ vào một đêm, địch thả pháo sáng như ban ngày vào đèo Khe Nét. Bom nổ, đất đá vùi lấp kín người chúng tôi. May mắn là chúng tôi còn sống”, giọng chậm rãi, ông Chu Điềm kể.

ong-diem.jpg
Bằng ghi công của Tổng cục đường sắt trao tặng ông Chu Điềm vì những cống hiến cho ngành. Ảnh: Bảo Lâm.

Sau đó, nhờ tìm tòi ra các sáng kiến mới để cải thiện, bảo đảm giao thông đường sắt, đặc biệt là sáng kiến xe goòng giải phóng toa xe, ông Chu Điềm được đề bạt là Phó Giám đốc rồi Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Thanh Hóa cho đến ngày hòa bình lập lại.

Một thời gian sau, ông Chu Điềm lại được phân công vào Đà Nẵng để xây dựng, khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất, nối lại hai miền Bắc - Nam bị chia cắt, với chức vụ là Phó ban Vận tải, Ban Quản lý đường sắt II.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị cho chuyến tàu lịch sử đầu tiên nối hai miền Nam - Bắc sau ngày thống nhất đất nước được an toàn. Kỷ niệm đáng nhớ trong đời tôi là, tôi được gọi từ Đà Nẵng ra Vinh để đi trực thăng cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ, Trưởng ban Chỉ đạo khôi phục đường sắt Thống Nhất và Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường sắt Hà Đăng Ấn kiểm tra để quyết định ngày thông tuyến. Lần đầu tiên được đi trực thăng, tôi thấy đất nước mình đẹp quá. Nhìn xuống phía dưới, cán bộ, công nhân đang hoàn thiện nốt tuyến đường sắt nối liền đất nước, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc”, ông Chu Điềm kể với niềm cảm xúc vẫn trào dâng khi nhớ lại.

Ngày 31-12-1976, sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, Chính phủ đã quyết định tổ chức hai đoàn tàu Thống Nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Sau khoảng 1 ngày, tàu đến ga Đà Nẵng. Nhìn thấy đoàn tàu đi an toàn, ông Chu Điềm rất sung sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

“Đối với tôi, chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên được nối lại không đơn thuần chỉ là nối liền dải non sông, mà còn là điều khiến tôi rất tự hào vì đã góp một phần công sức vào sự kiện trọng đại này”, ông Chu Điềm bày tỏ.

ong-diem-2.jpg
Ông Chu Điềm giới thiệu biểu trưng Thành đoàn trao tặng từ dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Bảo Lâm.

Trò chuyện với người cựu thanh niên xung phong đường sắt, chúng tôi như được truyền thêm nhiệt huyết từ thế hệ cha anh đã sống và lao động quên mình cho đất nước.

Năm 1991, sau khi về hưu, ông Chu Điềm vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Trong suốt hơn 10 năm, ông đã làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Văn Miếu (quận Đống Đa). Ông cũng vinh dự được nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng ghi công của Tổng cục Đường sắt cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành, đoàn thể...

Mùa thu này, ông Chu Điềm đã bước sang tuổi 90, với hơn 60 năm tuổi Đảng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, người TNXP tiếp quản Thủ đô năm xưa đã góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng thời thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau.

Khi được hỏi, ông muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ điều gì, ông Điềm nói rằng, các bạn trẻ hãy cống hiến hết mình vì đất nước, như thế hệ cha anh chúng ta.

“Tôi luôn tâm niệm câu nói của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, vì thế, tôi đã sẵn sàng xả thân để hoàn thành nhiệm vụ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ. Tôi mong các bạn trẻ cố gắng học tập và noi gương Bác Hồ, để cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng Thủ đô, đất nước ta phồn thịnh, sánh vai cùng năm châu”, ông Chu Điềm gửi gắm.