Xã hội

Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sốngCú hích trong thu hút, trọng dụng nhân tài

Hồ Bách 27/09/2024 - 06:25

Nhằm tạo cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thiết kế nhiều điều khoản khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành.

Đích đến là mở rộng nguồn tìm kiếm người tài; quan tâm, đãi ngộ người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn.

hoi-thao.jpg
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”, tháng 4-2024. Ảnh: Huy Phạm

Chính sách chưa đủ sức hấp dẫn

Hiện nay, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực của Thủ đô được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Để thu hút được người có năng lực, trình độ, Điều 13 Luật Thủ đô năm 2012 quy định: “HĐND thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Trên cơ sở đó, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 về “Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô”.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là, chỉ tập trung vào việc thu hút nhân tài mà chưa quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phạm vi các đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế; số lượng người được tuyển dụng nói chung còn khiêm tốn so với số người thực tế thuộc các nhóm đối tượng được thu hút.

Đối với bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II mới tuyển dụng được 32 người từ năm 2017 đến nay. Số lượng vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng hoặc giải Nhất tại các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia; Huy chương vàng, Huy chương bạc hoặc giải Nhất, giải Nhì tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, đã tuyển dụng được cũng rất khiêm tốn...

Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp, như: Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc; có học vị tiến sĩ... mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng theo chính sách này, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị sử dụng thì hầu hết chưa có thành tích vượt trội, nổi bật so với những công chức, viên chức được tuyển dụng theo quy định chung. Đáng lưu ý, các đối tượng được tuyển dụng theo chính sách thu hút của thành phố không được hưởng thêm chính sách ưu đãi nào khác về lương và thu nhập so với các cán bộ, công chức, viên chức khác.

Thực tế trên cho thấy chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong đợi.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế". Theo hướng đi này, Điều 16 Luật Thủ đô năm 2024 - còn gọi là Luật Thủ đô (sửa đổi), được thiết kế với những nội dung đột phá.

Cụ thể, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức. Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Để giữ chân được nguồn nhân tài một cách lâu dài, Luật Thủ đô (sửa đổi) cụ thể hóa về cách thức hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng theo đúng sở trường. Nổi bật là quy định HĐND thành phố được quyết định các chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Luật cũng quy định cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.

PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội bày tỏ tán đồng với quy định mới được đưa ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cú hích mang tính đột phá xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Đây sẽ là căn cứ để Hà Nội tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực đi vào cuộc sống, Hà Nội phải quy định 3 tiêu chí xác định nhân tài. Thứ nhất, có tư cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần cống hiến. Thứ hai, có trình độ, năng lực vượt trội. Thứ ba, phải có sản phẩm và sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.