Thế giới

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79: Hành động toàn cầu để giải quyết khủng hoảng

Thùy Dương 26/09/2024 - 07:57

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 đã khai mạc ngày 24-9 (giờ địa phương) tại New York (Mỹ) trong bối cảnh các cuộc chiến ở Gaza, Ukraine và Sudan cùng mối đe dọa về một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông đã phủ bóng sự kiện thường niên này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, tình hình thế giới đang trở nên "không bền vững", chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng ngày càng gia tăng; và kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết khủng hoảng.

tong-thong-my-joe-biden-phat-bieu-tai-dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-khoa-79-ngay-24-9.-anh-reuters.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, ngày 24-9. Ảnh: Reuters

Sau hai ngày diễn ra "Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai", tập trung vào những thách thức lớn nhất của nhân loại đối với các thế hệ mai sau, 155 người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực đã tham dự lễ khai mạc phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 với chủ đề "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dự lễ khai mạc và phát biểu tại phiên Thảo luận chung.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay (kết thúc vào ngày 30-9) sẽ diễn ra nhiều cuộc họp song phương và cấp bộ trưởng về các vấn đề từ hệ sinh thái Đại Tây Dương đến nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine hay cuộc xung đột đang ngày một leo thang tại Trung Đông.

Tại sự kiện thường niên của năm ngoái, Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trở thành tâm điểm chú ý. Năm nay, khi gần tới thời điểm một năm cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel (ngày 7-10), sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc chiến ở Gaza và tình trạng bạo lực leo thang trên khắp biên giới Israel - Lebanon, đe dọa lan rộng ra Trung Đông. Với gần 500 người thiệt mạng ở Lebanon chỉ riêng hôm 23-9 do các cuộc không kích của Israel, căng thẳng leo thang ở Trung Đông và mối đe dọa về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah đang làm lu mờ các chủ đề khác.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chiến tranh toàn diện không có lợi cho bất kỳ ai”. Về xung đột tại Lebanon, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, con đường duy nhất đem lại an ninh lâu dài là cho phép cư dân của cả hai nước trở về nhà an toàn và Mỹ cũng như một số nước trung gian đang nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Ông Joe Biden bày tỏ thất vọng khi thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin do Washington hậu thuẫn - được Hội đồng Bảo an thông qua vẫn chưa hoàn tất để bảo đảm an ninh cho Israel và Gaza, giảm bớt nỗi đau khổ cho người dân, chấm dứt xung đột tại vùng đất này. Tổng thống Joe Biden cũng sử dụng bài phát biểu của mình để kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến ở Sudan đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Tương tự, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã cảnh báo xung đột ở Gaza đang lan rộng "một cách nguy hiểm" sang Lebanon, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn.
Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Haiti, Sudan, Myanmar, Afghanistan và Yemen cũng nằm trong chương trình nghị sự cùng nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ...

Kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc là sự kiện thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới; là nơi diễn ra các bài phát biểu, những phiên thảo luận riêng giữa các quốc gia, những cuộc họp nhóm về mọi vấn đề từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến các cuộc xung đột. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách Liên hợp quốc để phản ứng tốt hơn trong thế giới ngày nay; đồng thời “khắc phục bất công lịch sử đối với châu Phi” khi không có ghế Thường trực trong Hội đồng Bảo an và tăng cường tính đại diện của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh...

Diễn ra ngay trước thềm Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã đạt được sự đồng thuận về việc nâng cấp tổ chức đa phương lớn nhất thế giới nhằm giải quyết các thách thức, đặc biệt là hòa bình và an ninh cho nhân loại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Để xây dựng lại lòng tin, chúng ta phải bắt đầu từ hiện tại và hướng tới tương lai. Trên khắp thế giới, mọi người đang hy vọng vào một tương lai hòa bình, phẩm giá và thịnh vượng. Họ đang kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, giải quyết bất bình đẳng và các rủi ro đang nổi lên đe dọa con người. Và họ coi Liên hợp quốc là yếu tố quan trọng để giải quyết những thách thức này".