An toàn thực phẩm

Kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản: Siết chặt quản lý hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ

Ngọc Quỳnh 26/09/2024 - 07:53

Hiện nay, phần lớn nông sản, thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ. Để kiểm soát hiệu quả chất lượng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã và đang siết chặt quản lý các hộ sản xuất, kinh doanh này... song việc kiểm tra, giám sát còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

doan-kiem-tra-lien-nganh-cua-so-nn-ptnt-ha-noi-kiem-tra-mot-co-so-san-xuat-che-tai-huyen-chuong-my.-anh-huu-tiep.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất chè tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Hữu Tiệp

Còn nhiều vướng mắc

Chia sẻ về khó khăn, bất cập trong việc kiểm soát, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tại địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu thông tin, theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, cấp huyện quản lý 79 cơ sở, huyện đã tổ chức ký cam kết được với 67 cơ sở; cấp xã quản lý 18.556 cơ sở và đã tổ chức ký cam kết được 15.000 cơ sở. Việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hiện còn khó khăn do phần lớn cơ sở này sản xuất theo mùa vụ, quy mô hộ gia đình, không đăng ký kinh doanh. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, các hộ hầu như không có hàng hóa hoặc đã bán hết hàng, rất khó cho chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư chưa được kiểm soát thường xuyên, việc triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn còn bất cập.

Chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, trồng trọt, chăn nuôi theo hộ gia đình cũng là tình trạng tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại huyện Quốc Oai. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nguyên Ưng cho hay, trên địa bàn có 127 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; sản lượng giết mổ đạt 350-370 tấn/tháng nhưng 100% số cơ sở giết mổ thủ công, chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, nhân lực tại huyện và các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác; không có cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm nằm trong chức danh công chức xã, thị trấn.

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, toàn thành phố có 12.472 cơ sở có đăng ký kinh doanh do quận, huyện, thị xã cấp đăng ký kinh doanh, gồm 3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và 9.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản (trong đó, 957 cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 8.244 cơ sở thuộc diện ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT). Toàn thành phố còn có 85.435 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ban đầu.

Thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã tích cực tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn cho các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản còn khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, số vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn chưa nhiều. Các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản chủ yếu ở quy mô nhỏ hộ gia đình, thường xuyên dừng hoặc thay đổi địa điểm sản xuất. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức sâu sắc về an toàn thực phẩm…

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, nhằm giám sát chất lượng an toàn thực phẩm từ gốc, thời gian tới, huyện khuyến khích các hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, thủy sản. Huyện có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản. Đồng thời, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững; tập trung kiểm tra, thanh tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản...

Để tăng cường công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp kiểm tra, đánh giá giám sát định kỳ theo quy định. Các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ có kết quả mẫu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đều được xử lý và nghiêm cấm đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa có kết quả phân tích bổ sung đạt yêu cầu. Kết quả kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở đều được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở NN&PTNT Hà Nội để người tiêu dùng biết và lựa chọn các sản phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với địa phương phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất thực phẩm an toàn, tổ chức cho các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc địa bàn quản lý ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Các huyện, thị xã nên thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ không chấp hành nội dung cam kết sản xuất thực phẩm an toàn. Các địa phương cần lập đường dây nóng để người dân thuận lợi khi tố giác cơ sở kinh doanh trái pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra các loại nông sản khi lưu thông nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.