Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 26-9-2024
70 năm kinh tế Hà Nội: Vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững; Thẻ vé ảo cho xe buýt: Tiện lợi, dễ sử dụng; Chống giả mạo, gắn link xấu độc: Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, đơn vị; Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp Thủ đô; Thu gom, vận chuyển rác thải tại huyện Thanh Oai: Nhiều giải pháp khắc phục tồn tại; Kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản: Siết chặt quản lý hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 26-9-2024.
70 năm kinh tế Hà Nội: Vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững
Ngày 25-9, Báo Kinh tế & Đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững". Qua những ý kiến, tham luận, phân tích tổng hợp và sâu sắc từ các chuyên gia, đại biểu tham dự, bức tranh kinh tế Thủ đô từ ngày giải phóng (10-10-1954) đến nay hiển hiện một cách rõ nét. Nhìn tổng thể, hoàn toàn có cơ sở để ghi nhận, tự hào về giai đoạn phát triển vừa qua của kinh tế Thủ đô, đồng thời tin tưởng vào tương lai phát triển nhanh hơn, bền vững hơn…
Tại tọa đàm, các chuyên gia đều có chung nhận định, trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Quy mô kinh tế, cơ cấu cũng như chất lượng tăng trưởng đã gặt hái kết quả khả quan, là một bước tiến dài.
Đặc biệt, những năm gần đây kinh tế Thủ đô tăng trưởng theo hướng hiện đại, lan tỏa. TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Trong hai năm 2021 và 2022, có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm; năm 2023 có 33 sản phẩm của 24 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
Thẻ vé ảo cho xe buýt: Tiện lợi, dễ sử dụng
Từ đầu tháng 4-2024, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông Hà Nội (thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) chính thức áp dụng thẻ vé ảo (thẻ phi vật lý) cho toàn bộ thẻ vé tháng, thẻ miễn phí đi xe buýt trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng của thành phố. Tiện lợi, dễ sử dụng là đánh giá của nhiều người dân. Chỉ sau 6 tháng triển khai, cách làm này cũng đã khẳng định hiệu quả cao khi có tới 47% số người sử dụng vé tháng bằng giấy chuyển sang thẻ vé ảo.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong những ngày đầu áp dụng hình thức vé tháng ảo không cần internet vừa qua cho thấy, nhiều người dân đã sử dụng loại hình vé này. Thao tác xuất trình vé đơn giản, thuận tiện, chỉ cần mở app, mỗi hành khách được cung cấp một mã QR để xuất trình cho nhân viên xe buýt. Ngay cả khi tắt mạng internet, mã QR này vẫn tồn tại và có thể mở ra bất cứ khi nào.
Cùng với việc triển khai thí điểm thẻ vé liên thông, sự ra đời của thẻ ảo là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng; giúp cung cấp dịch vụ tiện ích, an toàn và hiệu quả hơn...
Chống giả mạo, gắn link xấu độc: Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, đơn vị
Mặc dù bị nhắc nhở nhiều lần song số lượng các website của cơ quan nhà nước bị chèn nội dung quảng cáo, thậm chí cả link (đường liên kết) quảng cáo cờ bạc, cá độ vẫn không giảm; hoặc có không ít website của các thương hiệu lớn, cơ quan nhà nước bị giả mạo để lừa đảo… Thực trạng này gây mất an toàn cho hệ thống thông tin, cũng như gây thiệt hại cho tổ chức, đơn vị bị giả mạo và người sử dụng.
Với vai trò là cơ quan quản lý an toàn trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin đã liên tục có văn bản đề nghị các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ website thuộc phạm vi quản lý để phát hiện và xóa bỏ nội dung không phù hợp, có biện pháp xử lý, ngăn chặn không để tái diễn tình trạng website bị cài cắm, đăng tải, chuyển hướng hoặc liên kết với nội dung không phù hợp.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường giám sát và sẵn sàng các phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp Thủ đô
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để công tác đào tạo nghề bắt kịp sự phát triển của thế giới, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các giải pháp và mô hình cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đang phải đối mặt nhiều thách thức.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, để Hà Nội có thể ứng dụng được những công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, yếu tố quan trọng chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người trực tiếp tham gia đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ và sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ từ phía người học.
Do đó, cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người dạy trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên về công nghệ thông tin, an ninh mạng...
Thu gom, vận chuyển rác thải tại huyện Thanh Oai: Nhiều giải pháp khắc phục tồn tại
Mặc dù công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của huyện Thanh Oai đã chuyển biến tích cực, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định; hạ tầng một số bãi tập kết rác xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn; lượng rác thải còn tồn nhiều… gây ô nhiễm môi trường, khiến nhân dân bức xúc. Những tồn tại này cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.
Trao đổi với phóng viên về công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai Nguyễn Tuấn Khải thừa nhận, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hạ tầng của 20 bãi rác hiện hữu đang xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm theo quy định.
Đáng nói, lượng rác thải được vận chuyển đi xử lý hằng ngày chỉ đạt khoảng 90%, do đó không tránh khỏi tình trạng rác thải tồn đọng, phát sinh ô nhiễm...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi tập kết rác gây ra, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn nghiên cứu, xem xét, đề xuất phương án cải tạo, chỉnh trang các bãi tập kết rác đang khai thác, sử dụng, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh môi trường.
Kiểm tra, giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản: Siết chặt quản lý hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ
Hiện nay, phần lớn nông sản, thực phẩm được cung cấp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ. Để kiểm soát hiệu quả chất lượng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã và đang siết chặt quản lý các hộ sản xuất, kinh doanh này... song việc kiểm tra, giám sát còn khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để tăng cường công tác giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp kiểm tra, đánh giá giám sát định kỳ theo quy định.
Các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ có kết quả mẫu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đều được xử lý và nghiêm cấm đưa sản phẩm ra thị trường khi chưa có kết quả phân tích bổ sung đạt yêu cầu.