Văn nghệ

Nguyễn Lãm Thắng với thế giới tuổi thơ

Mai Bá Ấn 25/09/2024 - 18:09

Là một giảng viên, Nguyễn Lãm Thắng (sinh năm 1973) thuộc lớp hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Chính xuất phát từ nghề dạy học, anh đã ưu ái dành những khoảng trong trẻo nhất của tâm hồn mình viết nhiều cho trẻ em. Không ngạc nhiên khi Nguyễn Lãm Thắng trở thành tác giả trẻ được chọn nhiều thơ đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học cơ sở.

lam-thang.jpg

Thơ thiếu nhi của Nguyễn Lãm Thắng là cả một thế giới tuổi thơ được thể hiện bằng ngôn từ gần gũi, dễ hiểu. Tác giả đã khám phá ra được cái âm thanh riêng của mùa thu với cơn mưa, cành bưởi, tiếng chim khiến mùa thu dưới mắt nhìn các em vừa mơ hồ lại vừa trong trẻo: “Cơn mưa nhè nhẹ mơ hồ/ Rắc trên cành bưởi giả đò lim dim/ Ai cười làm động tiếng chim/ Mùa thu rớt khẽ xuống thềm... âm thanh” (“Âm thanh mùa thu”). Bốn mùa thiên nhiên trong thơ Thắng được thể hiện ở nhiều góc độ. Cũng con đường, nhưng con đường mùa đông hoàn toàn khác con đường mùa hạ: “Cỏ đứng run trong gió/ Mưa thấm lạnh chiều đông/ Cỏ không mang áo ấm/ Đứng run run trên đồng” (“Con đường mùa đông”); “Con đường mùa hạ/ Thơm ơi là thơm/ Là mùa quả chín/ Ngọt thanh vào hồn” (“Con đường mùa hạ”). Cây trái trong vườn là những người bạn gần gũi của tuổi thơ, chính vì thế, thơ thiếu nhi thường tả nhiều về các loài hoa trái. Nhưng cái cách nói của Thắng cũng có sức gợi rất riêng: “Xoài bế “em” trên cao/ Mít gùi “em” dưới gốc/ Quả chẳng giống tí nào/ Xoài trơn, mít gai góc” (“Bạn trong vườn xanh”)...

Phổ biến nhất chính là chủ đề về mái trường. Từ tiếng trống, tác giả đã nhân cách hóa để các em biết quý yêu cái trống trường mình; thấy được đức tính siêng năng, cần mẫn và ý nghĩa của nó: “Hôm nào cũng vậy/ Cái trống trường em/ Thức dậy thật sớm/ Trống kêu vang rền/ Giục em đến lớp/ Giục bạn đến trường/ Mặt mày trầy xước/ Em thấy mà thương” (“Cái trống trường em”). Các thầy cô giáo, không chỉ tập viết: “Như bàn tay của mẹ/ Dịu dàng cầm tay em/ Chữ hiện lên dòng kẻ/ Nét xuống rồi nét lên” (“Cô tập em viết”) mà thông qua bài hát dạy các em biết yêu cả gia đình, quê hương, đất nước: “Thầy dạy em hát bài ca về mẹ/ Là quê hương ở trong lời ca dao/ Thầy dạy em hát bài ca về cha/ Là đất nước trong câu thơ hiền hòa/ Thầy dạy em hát bài ca Rồng Tiên/ Để em yêu tiếng mẹ Việt Nam” (“Bài hát thầy dạy”).

Trong chuyện học hành, ngoài việc động viên các em siêng năng, chăm chỉ: “Em ngồi vào bàn/ Học hành chăm chỉ/ Thật là hết ý/ Thích lắm bố ơi!” (“Chiếc bàn em học”), Nguyễn Lãm Thắng còn nêu ra những thói hư tật xấu thông qua ý nghĩa ngụ ngôn. Đó là thói lười biếng, trốn học: “Cái mèo là cái mèo hư/ Thầy cho điểm kém hu hu khóc nhè/ Học hành thua sút bạn bè/ Mà còn trốn học chẳng nghe lời thầy” (“Mèo hư”); hay thói kiêu căng, hiếu thắng để rồi nhận lại hậu quả đau đớn ê chề: “Gà ta bị sứt chiếc mào/ Cún con kịp đến ngõ hầu thuốc thang/ Thẹn thùng không dám nói năng/ Gà ôm cún khóc, kiêu căng xin chừa (“Chiếc mào sứt”). Đặc biệt, anh còn có những bài thơ hướng dẫn các cháu cách học chữ, số dễ nhớ, dễ thuộc.

Trong chủ đề về những người thân là hình ảnh quen thuộc của mẹ và bà, Nguyễn Lãm Thắng đem đến cái nhìn so sánh dễ thương: “Mẹ lấy sữa từ bầu vú/ Bà lấy sữa từ trong bình/ Mẹ tô môi bằng son đỏ/ Bà tô môi bằng trầu xanh/ Bé yêu bà cùng yêu mẹ/ Ru ru giấc bé ngoan lành” (“Bà và mẹ”). Từ tình yêu cha mẹ, ông bà, mái trường thầy cô, tác giả đã nối kết giữa nhà trường và gia đình: “Phải thật ngoan con nhé!/ Phải biết vâng lời cô/ Bao nhiêu điều mới mẻ/ Trong câu hát lời thơ.../ Con mang về tặng mẹ/ Con mang về tặng ba/ Và bao câu chuyện kể/ Con tặng ông tặng bà” (“Hai người mẹ”).

Bên cạnh hai tập thơ người lớn “Điệp ngữ tình” và “Họng đêm” với một tư duy thơ hiện đại; sự giản dị, trong trẻo của thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng là một gia tài quý báu dành cho tuổi thần tiên.