Kinh tế Hà Nội với mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững
Sáng 25-9, Báo Kinh tế & Đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị điểm lại, 70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Với mong muốn cung cấp cho các nhà quản lý và người dân có cái nhìn tổng quan về những thành tựu phát triển kinh tế Hà Nội 70 năm qua, đặc biệt là tìm kiếm các giải pháp để kinh tế Hà Nội ngày càng phát triển bền vững, tọa đàm với tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn cao sẽ tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quý báu, gợi mở của các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý.
Tại tọa đàm, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đúng đắn.
Nhận định về thế mạnh kinh tế Thủ đô, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu, với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua; là một trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện, đội ngũ các doanh nghiệp có thể đáp ứng công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI đã tăng vượt trội. “Chúng tôi cũng muốn đề cập đến tinh thần tự lực cánh sinh vươn lên của Thủ đô. Hiếm có địa phương nào ứng phó với thiên tai địch họa tốt như Hà Nội”, chuyên gia này nêu.
Gợi mở đâu là mô hình kinh tế mới Hà Nội hướng đến, theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), để phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... nhằm đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô.
Để làm được, Hà Nội nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực, đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống, người dân làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện. Kinh tế tuần hoàn là bền vững, là xanh - sạch, môi trường sống tốt, là tuổi thọ, là sức khỏe và mức sống sẽ tốt lên cho từng người dân, người lao động Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội tới đây cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện.
TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng ưu thế và lợi thế của Hà Nội rất lớn và cần tận dụng hiệu quả các lợi thế như cộng đồng doanh nghiệp hiện đại, cộng đồng lao động trẻ, thu hút 2/3 trí thức cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng…
Cũng tại tọa đàm, nhiều chuyên gia khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để góp phần thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh của Hà Nội; đồng thời hy vọng thời gian tới, chính quyền Hà Nội có thể xây dựng hệ sinh thái mới cho các doanh nghiệp phát triển.