Xã hội

Bài cuối: Trong lành môi trường mạng - trách nhiệm không của riêng ai!

Ngọc Thủy - Việt Nga 25/09/2024 - 12:28

Xuất hiện từ năm 1995, đến đầu những năm 2000 các nền tảng mạng xã hội mới bắt đầu trở nên phổ biến. Nhưng hiện nay, chưa đến 30 năm, mạng xã hội đã phát triển như vũ bão và ngày càng khó lường cùng với sự phủ sóng của công nghệ hiện đại. Vì thế, trách nhiệm lành mạnh hóa môi trường mạng là không của riêng ai!

Tăng cường tuyên truyền, giao dục nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng mạng xã hội. Ảnh: T.H
Tăng cường tuyên truyền, giao dục nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng mạng xã hội. Ảnh: T.H

Tự biết bảo vệ chính mình!
Trước sự hấp dẫn "vô cực" của internet và các mạng xã hội, mỗi người cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình và đối phó với những nguy cơ, phòng tránh các cạm bẫy từ môi trường “ảo”.

Mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội trước hết cần tự biết cách bảo mật thông tin cá nhân. Khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta vô tình cung cấp thông tin như tên, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân... Tuy nhiên, các mạng xã hội đều là những ứng dụng miễn phí, công khai thông tin của người đăng ký sử dụng. Vì vậy, chúng ta cần cài đặt các thông tin quan trọng ở trạng thái riêng tư và đặt mật khẩu cấp 2 cho tài khoản để tránh bị lấy cắp.

Bên cạnh đó, cần có hành vi cư xử văn minh trên không gian mạng. Mạng xã hội là ảo, nhưng nỗi đau gây ra là thật. Vì vậy, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh là bảo vệ người khác khỏi tổn thương và cũng chính là tự bảo vệ mình.

Ngoài ra, mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ, cần tự trang bị kiến thức để nhận diện các dạng lừa đảo. Thời gian gần đây, các trang web chính thống của các tổ chức, doanh nghiệp lớn như ngân hàng, bưu chính viễn thông, chứng khoán và các Bộ Công an, Bộ Tài chính… thường xuyên phát đi cảnh báo về các hành vi lừa đảo lợi dụng uy tín, giả mạo tổ chức, doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, luôn có những đối tượng tiếp cận người sử dụng mạng xã hội thông qua những tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện để lấy lòng tin và những thông tin quan trọng nhằm phục vụ những mục đích xấu. Không chỉ lừa tiền bằng những thông báo trúng thưởng, những đường link độc hại nhằm đánh cắp tài khoản hay yêu cầu gửi hình ảnh cá nhân nhạy cảm để tống tiền.

Để tránh việc quá lệ thuộc vào mạng xã hội, duy trì lối sống “ảo” dẫn đến mất kết nối trong cuộc sống thực, mỗi người cũng cần hạn chế việc sử dụng mạng xã hội. Thay vì ngồi hàng giờ lang thang trên các mạng xã hội, nên tham gia học những kỹ năng mới thông qua các hoạt động ngoại khóa như chuyến dã ngoại, tổ chức hoạt động vui chơi, tập luyện thể dục như chạy xe đạp, bơi lội, leo núi, tập yoga, đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh, dọn dẹp nhà cửa, ra ngoài cùng người thân hoặc bạn bè…

Đối với những học sinh là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến, giáo viên trao đổi, nói chuyện để các em thoải mái chia sẻ câu chuyện của mình. Ngoài ra, bố mẹ và thầy cô cũng cần nói cho trẻ hiểu thế nào là bắt nạt trực tuyến, những gì nên làm và không nên làm khi tham gia vào môi trường mạng xã hội để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia. Ảnh M.Ngọc
Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia. Ảnh M.Ngọc

Chế tài đã đủ, cần áp dụng “mạnh tay”

Thông tin xấu độc từ mạng xã hội đã góp phần làm gia tăng tội phạm và nhiều hiện tượng xã hội đáng quan tâm khác, đặc biệt là với học sinh do dễ tiếp cận thông tin lừa đảo, xấu độc...

Nhận thức được thực trạng này, những năm gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiên quyết triển khai nhiều biện pháp. Từ tháng 6-2021, Bộ đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Trong đó nêu rõ 4 quy tắc ứng xử chung, áp dụng cho tất cả nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thông tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội.

Trước vấn nạn tin giả, tin sai sự thật gia tăng, từ cuối năm 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra mắt cuốn “Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng", cung cấp thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật.

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng dần được hoàn thiện, nhưng tin giả trên không gian mạng vẫn khó có thể ngăn chặn hoàn toàn.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, chúng ta phải chống tin giả bằng tin thật. Do vậy, rất cần trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp... cùng phối hợp trong “cuộc chiến” chống tin giả, tin sai sự thật.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp, như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; triển khai phổ biến và thực thi các quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP sau khi được Chính phủ ban hành.

Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, sẽ duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao (>92%), gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn; xử lý và buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử, trang, kênh nội dung đã được xác thực.

Đặc biệt, cơ quan quản lý tăng cường rà soát, xử lý đối với việc đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán thông tin độc hại trên internet. Tăng cường hiệu quả, nâng cấp Trung tâm Giám sát không gian mạng và Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia cũng như tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương xây dựng trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để kết nối hình thành mạng lưới xử lý tin giả, tin xấu độc quốc gia.

Bên cạnh đó, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhất là trước các vấn đề được dư luận quan tâm; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục. Mục tiêu lớn nhất là hạn chế những tác động tiêu cực của internet, nâng cao nhận thức của mỗi công dân, nhất là người trẻ trên môi trường không gian mạng để có những ứng xử phù hợp.