Môi trường

Gia Lâm: Sạt lở đê tả sông Hồng, khu vực xã Kim Lan

Ánh Dương 25/09/2024 - 10:46

Sau cơn bão số 3 và đợt mưa lũ vừa qua, bờ sông Hồng, đoạn qua địa bàn thôn 4, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) bị sạt, lòng sông lấn sâu vào đất liền từ 3-15m, ảnh hưởng đến 7 hộ dân, đã có 2 hộ phải di dời.

Khu vực sạt lở ven sông Hồng, đoạn qua địa bàn thôn 4, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm). Ảnh: Vân Thư
Khu vực sạt lở ven sông Hồng, đoạn qua địa bàn thôn 4, xã Kim Lan (huyện Gia Lâm). Ảnh: Vân Thư

Thông tin về tình hình sạt lở bờ sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Kim Lan, ngày 25-9, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, huyện đã kiểm tra thực tế, làm việc với lãnh đạo UBND xã và các đơn vị, phòng, ban huyện để nắm bắt, đánh giá tình hình và khẩn trương triển khai các phương án ứng phó.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học kiểm tra hiện trường sạt lở tại thôn 4 xã Kim Lan. Ảnh: Vân Thư
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học kiểm tra hiện trường sạt lở tại địa phận thôn 4, xã Kim Lan. Ảnh: Vân Thư
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học kiểm tra khu vực sạt lở bờ sông Hồng tại địa phận xã Kim Lan. Ảnh: Vân Thư
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học kiểm tra khu vực sạt lở bờ sông Hồng tại địa phận thôn 4, xã Kim Lan. Ảnh: Vân Thư

Trước đó, theo báo cáo của UBND xã Kim Lan, ngày 22-9, tại thôn 4 của xã Kim Lan diễn ra hiện tượng sạt lở đất ven sông. Vị trí sạt lở tại K19+150, thuộc địa bàn thôn 4, chiều dài 15m, ăn sâu vào bãi khoảng 3m; sạt lở đứng thành, chênh cao mặt bãi so với mặt nước khoảng 8m. Khu vực sạt lở ảnh hưởng đến 7 hộ dân.

UBND xã Kim Lan đã thực hiện việc di dời 2 hộ dân với 15 nhân khẩu, hỗ trợ các hộ di chuyển tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đến nơi an toàn. 5 hộ còn lại đang được địa phương tiếp tục theo dõi tình hình sạt lở đất để có phương án kịp thời. Xã cũng mở rộng khu vực cảnh báo, cắm biển báo sự cố sạt lở nguy hiểm, chăng dây không cho người đi lại khu vực sự cố và bố trí lực lượng thường trực 24/24h.

UBND huyện Gia Lâm cũng yêu cầu UBND xã Kim Lan hoàn thiện ngay các phương án ứng phó. Cụ thể, tại khu vực sạt lở phân thành 2 đoạn, gồm: Đoạn 1 sát khu sạt lở cần áp dụng các biện pháp rào chắn cứng, căng dây và có biển cảnh báo; đoạn 2 nguy hiểm cấp bách nhất tại vị trí trực tiếp sạt lở (thôn 4), xã đóng rào tôn cứng có cửa để kiểm soát việc ra vào, ghi rõ “khu vực nguy hiểm cấm vào”.

Xã cũng phối hợp với lực lượng chức năng của huyện ứng trực 24/24h, ghi chép đầy đủ diễn biến; tổ chức tuần tra, kiểm soát và ứng cứu; lắp camera 2 đầu khu vực để theo dõi diễn biến, cảnh báo; tăng cường tuyên truyền, vận động trên hệ thống thông tin xã, thôn và trực tiếp đến người dân, nhất là người dân khu vực có nguy cơ sạt lở, người dân đã di dời.

Các đơn vị của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo sát diễn biến tại khu vực để triển khai biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ lực lượng của địa phương, báo cáo UBND huyện để có phương án khắc phục và kịp thời đề xuất lên cấp trên.

img_20240925_092151.jpg
Lãnh đạo huyện Gia Lâm, xã Kim Lan thăm, tặng quà động viên các gia đình phải di dời khỏi nơi bị sạt lở. Ảnh: Vân Thư

Lãnh đạo huyện Gia Lâm, xã Kim Lan đã đến thăm, tặng quà, động viên, đồng thời tuyên truyền, vận động các gia đình phải di dời nghiêm túc chấp hành quy định và phương án di dân, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.