Hà Nội kết nối

Nhiều kỳ vọng vào Dự án Đường sắt Biên Hòa - Thị Vải - Vũng Tàu

Chí Linh 25/09/2024 - 07:54

Đường sắt Biên Hòa - Thị Vải - Vũng Tàu được đánh giá là dự án giao thông đầu tư cấp thiết. Mục tiêu chính là góp phần khai thác hết tiềm năng mà cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đóng góp chung cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

585-202409242130371.jpg
Lần đầu tiên có những chuyến tàu vận chuyển số lượng lớn LNG từ miền Nam ra miền Bắc. Ảnh: PVG.

Những ngày tháng 9-2024, những chuyến tàu đầu tiên chở khí thiên nhiên hóa lỏng LNG bằng đường sắt từ miền Nam ra miền Bắc đã xuất phát tại ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ra ga Đông Anh (Hà Nội) trong hành trình khoảng 3 ngày để từ đó phân phối cho các khách hàng miền Bắc. Mỗi chuyến tàu này chở 16 ISO Tank (khoảng 300 tấn LNG hóa lỏng) ở nhiệt độ - 162 độ C.

Đây cũng là lần đầu tiên ngành Đường sắt Việt Nam phối hợp với ngành Dầu khí vận chuyển thành công loại mặt hàng “khó”, chuyên dụng và thiết yếu này từ Nam ra Bắc với quy mô khoảng từ 60 đến 120 ISO Tank mỗi tháng. LNG đang được coi là năng lượng sạch, giảm 30% lượng phát thải CO2 so với than đá và 40% so với dầu mỏ.

585-202409242130372.jpg
Hiện hàng hóa từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải lớn nhất nước vẫn phải theo đường bộ chật chội để về Đông Nam Bộ. Ảnh: VT.

Tuy nhiên, để có được hàng trên các đoàn tàu xuyên Việt, cả trăm chuyến xe bồn chuyên dụng đã “kẽo kẹt” chờ LNG từ kho cảng Thị Vải của PV Gas tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) chen chân với hàng nghìn chiếc xe tải chở hàng khác trên Quốc lộ 51 chật chội, xuyên qua những khu dân cư đông đúc của tỉnh Đồng Nai để đến được ga Trảng Bom, cấp hàng cho đường sắt.

Dù hệ thống cảng cái Mép - Thị Vải có quy mô lớn nhất nước, lượng hàng hóa qua cảng mỗi năm lên đến khoảng 118 triệu tấn, nhưng tính đến tháng 9-2024, chưa có hệ thống đường sắt nào từ các vùng trọng điểm công nghiệp Đông Nam Bộ nối đến cụm cảng này. Vì thế, vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn đang dồn toàn bộ áp lực lên hệ thống đường bộ vốn thiếu và yếu của toàn vùng. Việc có tuyến đường sắt kết nối hệ thống cảng này với vùng trọng điểm kinh tế phía Nam được chính quyền, nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất mong mỏi. Đáng mừng là Đảng, Nhà nước cũng đã sớm có quy hoạch tuyến vận tải quan trọng này.

585-202409242130373.jpg
Sơ đồ hướng tuyến dự kiến của tuyến đường sắt Biên Hòa - Thị Vải - Vũng Tàu. Nguồn: Bộ Giao thông - Vận tải.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, khổ 1.435mm. Theo tính toán, dự báo năng lực vận chuyển đoạn đường sắt Biên Hòa - Thị Vải nhu cầu đến năm 2050 khoảng 22,6 triệu tấn hàng hóa/năm và 9 triệu lượt hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 75 đôi tàu/ngày đêm nhưng được quy hoạch tuyến đường đôi với năng lực vận chuyển lên đến khoảng 120 đôi tàu/ngày đêm. Đoạn Thị Vải - Vũng Tàu nhu cầu đến năm 2050 khoảng 0,68 triệu tấn hàng hóa và 7,2 triệu lượt hành khách/năm, tương đương chỉ khoảng 12 đôi tàu/ngày đêm, nhưng được quy hoạch tuyến đường đơn với năng lực vận chuyển lên đến 35 đôi tàu/ngày đêm.

Từ tháng 7-2021, Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Bộ Giao thông - Vận tải tiến hành nghiên cứu với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA). Hướng tuyến dự kiến sẽ từ ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chạy song song với Quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai đến cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên tuyến có 5 ga tuyến chính, 3 ga trong cảng, 1 ga trong trung tâm logistics và 3 depot (ga hậu cần kỹ thuật).

Dự án này như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng, miền đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Khi tuyến đường sắt này hoàn thiện, kết hợp sân bay quốc tế Long Thành, sẽ mang lại nhiều ưu thế cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai tỉnh Ðồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, giảm tải cho Quốc lộ 51. Đặc biệt hơn, tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (hiện mới đạt khoảng 50% công suất), góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng Đông Nam Bộ, đưa khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và là động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước.

Về phía địa phương, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào dự án đường sắt này và sẽ dành các nguồn lực tương xứng để góp phần thúc đẩy nhanh dự án. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ là một trong những dự án giao thông quan trọng, góp phần cho tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ sau năm 2030, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị, gồm Tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu; Tuyến số 2 kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thành phố Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai). Cùng với đó, phối hợp với Trung ương hoàn thiện tuyến đường sắt quốc gia Biên Hòa - Cái Mép - Vũng Tàu.