Thế giới

Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thăm Mỹ: Trọng tâm là chiến lược hợp tác quốc phòng

Quỳnh Dương 25/09/2024 - 06:46

Nhằm khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược và quốc phòng lâu dài với Mỹ, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã tới Washington ngày 23-9 và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống UAE tới Mỹ kể từ năm 1971 và đánh dấu cuộc gặp song phương cấp cao thứ tư trong nhiệm kỳ hiện tại.

uae.jpg
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: WAM

Tại cuộc hội đàm, nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết kéo dài hơn 5 thập kỷ, Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và người đồng cấp Joe Biden cam kết theo đuổi các cơ hội mới để củng cố quan hệ đối tác kinh tế - quốc phòng, thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực Trung Đông, đồng thời thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu trong các vấn đề có tầm quan trọng chung.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại căng thẳng ở Trung Đông có thể leo thang thành một cuộc chiến lớn hơn.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định nhu cầu cấp thiết hiện nay về việc bảo đảm cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp và liên tục để cứu trợ dân thường ở quy mô tương xứng với tình hình hiện nay trên khắp Dải Gaza.

Mỹ và UAE cam kết tiếp tục hợp tác hướng tới chấm dứt xung đột, kêu gọi ngừng bắn lâu dài và bền vững, thả con tin và người bị giam giữ theo Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSCR).

Bên cạnh các vấn đề quốc tế, hai Tổng thống cũng bàn thảo nhiều chủ đề liên quan tới thúc đẩy hợp tác song phương về thương mại và công nghệ tiên tiến, tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quan trọng và chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng sạch, khai thác không gian mạng… Trong đó, nội dung thu hút sự chú ý của dư luận là lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Tổng thống Joe Biden đã công nhận UAE là Đối tác quốc phòng chủ lực của Mỹ nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng và an ninh ở Trung Đông, Đông Phi và các khu vực Ấn Độ Dương.

Động thái này sẽ mở đường cho các chương trình hợp tác chưa từng có về quân sự thông qua huấn luyện chung, tập trận giữa các lực lượng của Mỹ, UAE và Ấn Độ, cũng như các đối tác quân sự chung khác. Công nhận này cũng đưa UAE trở thành đối tác quốc phòng chủ lực thứ hai của Mỹ sau Ấn Độ.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Đối thoại quân sự chung thường niên, coi đây là diễn đàn quốc phòng song phương hàng đầu để thúc đẩy quan hệ, bao gồm xem xét các lợi ích an ninh chung, cũng như thảo luận về các mục tiêu chiến lược và các thách thức trong khu vực như an ninh hàng hải, chống cướp biển, khủng bố...

Theo các nhà bình luận, việc tăng cường quan hệ quốc phòng với UAE phù hợp với những chuyển đổi chính sách chiến lược của Mỹ trong thời gian gần đây. Thay vì thiết lập các mối quan hệ song phương với các đồng minh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như trước đây, ví dụ như: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Ấn Độ…, Washington tập trung xây dựng mô hình hợp tác đa phương theo nhóm nhỏ.

Bên cạnh nhóm Bộ tứ Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Australia, UAE được xác định là một thành viên tiềm năng của nhóm Bộ tứ mới I2U2 gồm Mỹ - Ấn Độ - Israel - UAE và liên minh quân sự Mỹ, Israel, Bahrain, Saudi Arabia, UAE và Ai Cập.

I2U2 ra đời nhằm trấn an các đồng minh Tây Á về việc duy trì cam kết chiến lược của Mỹ đối với Trung Đông sau cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan năm 2021 mà một số chuyên gia cho rằng đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của Washington trong mắt các quốc gia chủ chốt trong khu vực.

Những năm qua, Abu Dhabi vẫn ưu tiên quan hệ chặt chẽ với Washington để bảo đảm an ninh kinh tế năng lượng và vị thế tại khu vực.

Ở chiều ngược lại, Mỹ cần duy trì quan hệ chặt chẽ với các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, trong đó có UAE để bảo đảm thị trường năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, UAE là cường quốc trong khu vực, có mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng và có tiếng nói trong thế giới Arab.

Bên cạnh đó, sự hiện diện tại Trung Đông và tiếp tục “tái thiết hòa bình” là cách để Mỹ giữ uy tín và danh dự trước đồng minh, trấn an các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, rằng Washington đủ tin cậy để hợp tác lâu dài.

Tóm lại, theo Tuyên bố chung được hai nhà lãnh đạo đưa ra sau cuộc hội đàm, chuyến thăm của Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã đặt nền tảng mới cho sự hợp tác song phương trong nhiều thập kỷ tới.