Thúc đẩy chuyển đổi logistics bền vững, tạo động lực cho tăng trưởng xanh tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 24-9, tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra diễn đàn doanh nghiệp xanh với chủ đề: “Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp: Từ nhà máy đến khu công nghiệp và cảng biển”.
Sự kiện do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, nhằm thúc đẩy các giải pháp logistics bền vững, phát triển kinh tế xanh và bền vững của thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó giám đốc ITPC Cao Thị Phi Vân cho biết, thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
ITPC thông tin, tại thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển xanh không chỉ là giải pháp để bảo vệ môi trường mà còn là động lực thúc đẩy chuyển dịch chất lượng phát triển kinh tế, hướng đến một xã hội phát triển bền vững.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày các chủ đề quan trọng về logistics bền vững và phát triển công nghiệp xanh như: Tiếp cận lãi suất thấp hoặc tài trợ cho các dự án xanh thông qua sự hợp tác với các tổ chức tài chính EU, mang lại những cơ hội hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp; Định hướng tăng trưởng xanh lĩnh vực logistics...
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng trình bày về chuyển đổi xanh ở các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho phát triển bền vững ở Việt Nam.
Phó Trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Cao Minh Nghĩa kiến nghị, để phát triển logistics xanh, thành phố cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa hoạt động logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức; hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải...
Về phía doanh nghiệp cần điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược phát triển logistics xanh; kiểm soát logistics xanh ngay tại kho; cải tiến chất lượng phương tiện vận tải; triển khai công nghệ và công nghệ thông tin tiên tiến; tận dụng các ưu đãi của nhà nước; hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics.