Hà Nội kết nối

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu trạm nghỉ, tài xế... "chạy cố"

Đức Sơn 24/09/2024 - 13:53

Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa bàn tỉnh Bình Thuận mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 với 4 làn lưu thông 2 chiều và không có làn dừng khẩn cấp. Đường hẹp nên thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi các phương tiện lưu thông ban đêm.

a502.jpg
Xe khách bị nát phần đầu trong vụ tai nạn sáng nay, 24-9. Ảnh trích từ camera giám sát

Liên tiếp tai nạn

1h sáng 24-9, xe khách mang biển số Phú Yên chạy từ hướng Bắc vào Nam trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến đoạn Km227+800 qua xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đã đâm vào đuôi xe container chạy cùng chiều. Hậu quả, tài xế xe khách tử vong; 11 người trên xe khách bị thương, được đưa đến bệnh viện, trong đó có 3 người bị thương nặng.

Trước đó, 23h55 ngày 18-9, tại Km191+400 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thuộc xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 ô tô khách, khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương nặng.

a500.jpg
Vụ 2 xe khách tông nhau hôm 18-9. Nguồn: Công an Bình Thuận

Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km chạy qua tỉnh Bình Thuận là một phần trong đại dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Giai đoạn 1, dự án này được đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, xây dựng nền đường rộng 17m, bố trí 4 làn xe cho 2 chiều xe chạy và không có làn khẩn cấp. Trên tuyến, cứ khoảng 4-5km, bố trí 1 điểm dừng khẩn cấp cho các xe có sự cố. Tốc độ chạy xe tối đa trên tuyến là 90km/h. Tuyến mới đưa vào sử dụng từ tháng 5-2023 đến nay.

Đáng chú ý, suốt đoạn tuyến cao tốc này chưa có trạm dừng nghỉ chính thức (chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tạm hướng Bắc - Nam), nên các tài xế xe đường dài và các hành khách trên tuyến thường phải chạy cố về điểm dừng nghỉ duy nhất cuối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để tạm nghỉ. Các xe khách thường chạy đêm để tranh thủ đường vắng, nhưng với tâm lý chạy cố đến điểm dừng, nên cũng dễ xảy ra tai nạn.

a501.jpg
Hiện trường vụ tai nạn hôm 18-9 cho thấy phần đường lưu thông khá hẹp. Nguồn: Công an Bình Thuận

Bản thân người viết bài này cũng đã nhiều lần chạy xe đêm trên đoạn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cảm nhận được nhiều nguy cơ tai nạn khi tài xế lơ là chỉ trong giây phút, bởi đường hẹp, tối; xe chạy tốc độ cao; có đoạn đèn pha xe bên làn ngược chiều làm lóa mắt. Ở những điểm dừng khẩn cấp trên đường, do làn đường hẹp nên chỉ xe dưới 9 chỗ mới có thể đỗ gọn. Xe tải cỡ lớn, xe khách… nếu đỗ tại làn này, thậm chí còn nhô một phần thân xe ra làn đường đang lưu thông, tăng nguy cơ va chạm.

Trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe khách trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hôm 18-9, xe khách đi trước bị hỏng máy, buộc phải dừng giữa làn đường đang lưu thông dù chỉ cách điểm dừng khẩn cấp khoảng 1km. Nhà xe và nhiều hành khách đã đặt các cành cây, vật dụng phía sau xe để báo hiệu. Tuy nhiên, do trời tối, tài xế xe khách chạy sau không phát hiện kịp thời chướng ngại vật phía trước, nên đã không phanh kịp, gây ra tai nạn khiến 2 người tử vong.

a503.jpg
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa có làn dừng khẩn cấp. Ảnh: NMO

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sở dĩ cần nhanh chóng đầu tư giai đoạn 1 các đoạn cao tốc không có làn khẩn cấp là bởi nhu cầu lưu thông tăng nhanh, nhưng kinh phí xây dựng đường cao tốc từ ngân sách nhà nước còn hạn chế... Tuy nhiên, thực tế khai thác cho thấy, những đoạn cao tốc không có làn khẩn cấp này rất nguy hiểm.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, tính từ đầu năm 2024 đến trước 2 vụ tai nạn nêu trên, trên các đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đều không có làn khẩn cấp), đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7 người, bị thương 5 người. Riêng cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã xảy ra đến 10 vụ, làm 6 người chết, bị thương 5 người.

Cần sớm hoàn thành các trạm dừng nghỉ

a504.jpg
Các trạm dừng nghỉ trên tuyến mới xong phần quy hoạch. Đồ họa: STO

Về quy hoạch trạm dừng nghỉ trên các đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Bình Thuận, tháng 7-2023, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó có 3 trạm qua tỉnh Bình Thuận, gồm 1 trạm trên đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, 2 trạm trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, vị trí 2 trạm dừng nghỉ đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Km144+560 và Km205+092) chưa có trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Tuy Phong, do các quy hoạch này đã được phê duyệt trước đó. Tỉnh đã báo cáo Bộ về vướng mắc pháp lý này. Cùng với đó, các bên liên quan khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung vị trí, phạm vi các trạm vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 theo quy định.

a505.jpg
Mặt bằng một trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được chuẩn bị xong. Ảnh: LĐ

Đối với trạm dừng nghỉ đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tại Km47+500, đây là vị trí giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Tại đây, phần đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 1,66ha (1,5ha bên phải và 0,16ha bên trái) đã giải phóng mặt bằng. Diện tích còn lại 10,24ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, nên hai bên sẽ cần phối hợp thực hiện.

Tính đến cuối tháng 9-2024, sau những nỗ lực đáng ghi nhận, tỉnh Bình Thuận đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng các điểm sẽ bố trí trạm dừng nghỉ. Nhận mặt bằng đến đâu, các đơn vị thi công triển khai máy móc, nhân lực san gạt mặt bằng đến đó với quyết tâm sớm hoàn thành các trạm dừng nghỉ rất quan trọng này. Mong rằng đến lúc đó, các tài xế không còn phải “chạy cố”.