Để khai thác du lịch mùa vụ hiệu quả ở Bắc Trung Bộ
Ngày 24-9, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch khắc phục tính mùa vụ vùng biển Bắc Trung Bộ”.
Theo Thạc sĩ Hoàng Đạo Bảo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), tính mùa vụ có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành du lịch nói riêng và đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung. Mùa du lịch ngắn là nguyên nhân của việc phần lớn cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như lao động chuyên ngành chỉ được sử dụng hiệu quả trong một quãng thời gian nhất định.
Tính mùa vụ còn đem lại sự tập trung cao của du khách trong một thời gian nhất định đối với các phương tiện vận chuyển, gây ách tắc giao thông ở các điểm du lịch, làm giảm chất lượng phục vụ và tạo nên sức ép về môi trường đối với các tài nguyên du lịch.
Tính riêng ở khu vực vùng biển Bắc Trung Bộ, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho thấy, hiện khu vực này đang duy trì và phát triển một số sản phẩm du lịch như: Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển tập trung vào mùa hè ở những khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Bãi Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng, Cửa Việt (Quảng Trị), Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)... ; du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử - cách mạng tại Xuân Sơn, Nhật Lệ, đường 20 Quyết thắng, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, đường 9 - Khe Sanh, đường mòn Hồ Chí Minh... ; du lịch di sản, tham quan - nghỉ dưỡng tập trung ở di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ (Thanh Hóa), kinh đô cổ ở Huế với hệ thống điểm di tích văn hóa, lịch sử, các lăng tẩm (Thừa Thiên - Huế)... Loại hình du lịch này có thể diễn ra quanh năm, tuy nhiên, vào những tháng giá rét hoặc mưa cũng hạn chế khả năng đi lại của du khách.
Tại hội thảo, theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Bắc Trung Bộ nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây kết nối với Lào, Thái Lan và Myanmar, tuy nhiên sản phẩm du lịch của vùng vẫn còn phát triển rời rạc, thiếu sự liên kết. Chuỗi giá trị du lịch chưa được định hình chắc chắn, làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả.
Để kéo dài thời gian du lịch biển, khắc phục tính mùa vụ, các chuyên gia cho rằng, các địa phương ở khu vực này cần xây dựng các sản phẩm du lịch bổ sung; liên kết sản phẩm du lịch nội vùng, ngoại vùng điểm du lịch; truyền thông quảng bá du lịch biển vào cả mùa đông để du khách quen dần với việc mùa đông đến vùng này vẫn đi du lịch biển được.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh du lịch văn hóa ẩm thực biển và không gian vùng biển; đẩy mạnh một số sản phẩm du lịch mới như du lịch đám cưới, du lịch MICE và du lịch giải trí sự kiện; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn ven biển, du lịch làng nghề trong không gian biển…