Doanh nghiệp “sếu đầu đàn” Việt Nam "lớn chậm"
Việt Nam đã hình thành các doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, dù vậy doanh nghiệp có lớn nhưng còn chậm và chưa đủ đáp ứng yêu cầu, do đó cần có cách tiếp cận mới để có những bước tiến đúng với thời đại.
Thông tin được chia sẻ tại tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam với vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp mũi nhọn” do Báo Công Thương tổ chức sáng 24-9.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, chúng ta đã hình thành một số doanh nghiệp là “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt nền kinh tế như Vingroup, THACO, Hòa Phát… Tuy nhiên, số lượng chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế. Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn đang phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
“Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Tuấn Anh nêu.
Theo ông Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Khoa nêu dẫn chứng trong các chương trình dự án về năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông đường sắt, đường cao tốc..., chúng ta đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Do vậy, giá trị thặng dư rất ít, hàm lượng công nghệ mang lại cũng không cao.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, hiện, Việt Nam vẫn cơ bản sản xuất gia công, chưa "chạm" được nhiều đến tự động hóa, số hóa. Cơ cấu ngành công nghiệp có sự chênh lệch với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 22-23% GDP, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%.
Bên cạnh đó, hệ thống chuỗi công nghiệp chưa rõ ràng. Doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của các doanh nghiệp, tập đoàn, thế giới vào Việt Nam. Không những vậy, bước chuyển mình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các doanh nghiệp còn yếu.
“Doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta có lớn, nhưng chậm, do đó, cần có cách tiếp cận mới, khác thường để có những bước tiến xứng tầm, đúng với thời đại”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Các diễn giả tham gia tọa đàm chung đánh giá, trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp Việt Nam, trong đó có công nghiệp mũi nhọn, có đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả trước mắt và trong chiến lược dài hạn.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp, tạo ra được những doanh nghiệp dẫn dắt nền kinh tế hay các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” thì cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách.
Trong đó, để giảm bớt sự phụ thuộc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung phát triển các doanh nghiệp “đầu đàn” gắn với chiến lược phát triển ngành. Cụ thể, xác định lĩnh vực then chốt có sự hiện diện của đội ngũ doanh nghiệp như công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao…
Cùng với đó, cần chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có thể dẫn dắt tăng trưởng, tạo dựng hệ sinh thái dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước lớn mạnh, vươn tầm thế giới.