Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Nâng tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao từ 23% lên 40%

Nguyễn Lê 24/09/2024 - 10:57

Chuyển đổi không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu cấp thiết và TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao từ 23% lên 40%.

Đó là khẳng của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tại Đối thoại Hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2024 diễn ra sáng nay (24-9).

anh-1.jpg
Quang cảnh Đối thoại Hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: Nguyễn Lê

Tham dự Đối thoại có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; hơn 35 đoàn đại biểu đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố Hồ Chí Minh; nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao; cùng khoảng 500 đại biểu.

Nâng tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao lên 40%

Theo thống kê, hiện thành phố Hồ Chí Minh có 300.000 doanh nghiệp nhưng 90% số này có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Tỷ trọng đóng góp kim ngạch xuất khẩu cả nước của thành phố đã giảm từ 45% xuống còn 12%; tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm từ 23% xuống còn 16%.

Theo số thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của thành phố là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.

anh-4.jpg
Các đại biểu tham dự Đối thoại Hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: BTC

Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp, thành phố định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa sản xuất, sử dụng ít lao động, nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.

Đối với các ngành truyền thống như thực phẩm chế biến, dệt may và cao su - nhựa, thành phố hướng đến nâng cấp chuỗi giá trị thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung sản xuất chế biến các sản phẩm tinh, chế biến sâu, có giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, thành phố còn định hướng tiếp tục phát triển mạnh các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm. Mục tiêu của thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.

Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, thành phố Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này.

anh-2.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Đối thoại Hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai. Ảnh: Nguyễn Lê

Sáng tạo để vượt qua thách thức

Phát biểu tại Đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, các quốc gia đang trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công.

Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ. Thông qua những nỗ lực, thành phố có thể phát triển các giải pháp sáng tạo để vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Dù đó là việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số, hay thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, các quốc gia, các địa phương đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững.

khu-cong-nghe-cao-tphcm.jpg
Nhà máy của Samsung tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: SHTP

“Hướng tới tương lai, thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới. Thành phố tin rằng, thông qua việc thúc đẩy tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta không chỉ đạt được các mục tiêu chung mà còn xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua Đối thoại Hữu nghị thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, các địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ có thêm cơ hội trao đổi và hợp tác để cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.