Văn hóa

Mang hơi thở hiện đại vào chất liệu truyền thống

Minh Hương 24/09/2024 09:13

Từ chất liệu giấy giang truyền thống của dân tộc Mông (tỉnh Hòa Bình), các họa sĩ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức 4 buổi Workshop vào đầu tháng 9 vừa qua để hướng dẫn cho gần 50 bạn nhỏ cách thức sáng tạo ra những chiếc đèn lồng với hình dáng, màu sắc, họa tiết là những con vật, loại quả ngộ nghĩnh.

Ngắm nhìn những chiếc đèn lồng đẹp mê hoặc trong ánh sáng vàng hắt ra từ lớp giấy giang xù xì, ai nấy đều ghi nhận các nghệ sĩ đã thành công khi mang hơi thở hiện đại vào chất liệu truyền thống, nối dài sự sáng tạo với một loại giấy còn ít người biết đến.

sang-tao-3.jpg
Những chiếc đèn lồng đẹp mê hoặc với ánh sáng hắt ra sau lớp giấy giang xù xì.

Kéo các em nhỏ về với giá trị truyền thống

Nghe thông tin Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức buổi Workshop về giấy giang, chị Trần Mai Linh (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đăng ký cho con trai 7 tuổi tham gia. Ban đầu chị nghĩ, giấy giang cũng giống như giấy dó, nhưng khi trải nghiệm chị cảm thấy vô cùng thích thú vì những điểm khác biệt.

Dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ, chỉ trong vòng 2 tiếng, mẹ con chị Linh đã làm được chiếc đèn lồng hình nón, trên đèn vẽ Cột cờ Hà Nội và các hình vẽ biểu tượng Trung thu. “Chất liệu giấy rất thú vị, thân thiện với môi trường, mang giá trị văn hóa. Việc sử dụng giấy giang làm đèn vừa có tính nghệ thuật lại vừa giúp người tham gia hiểu thêm về chất liệu dân gian truyền thống. Con tôi rất hứng thú trong quá trình làm đèn và khi về đã hào hứng giới thiệu về nguồn gốc chất liệu đèn với các bạn học cùng lớp. Trong dịp Trung thu này, trường con tổ chức cuộc thi sáng tạo với đồ thủ công và con sẽ mang đèn đến lớp để dự thi” - chị Mai Linh chia sẻ.

Tìm hiểu trên nhóm Facebook “Creative Space For Children” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lập ra để giới thiệu sản phẩm sáng tạo của các bạn nhỏ tham gia Workshop “Sáng tạo với giấy giang”, chúng tôi thấy phản hồi tích cực của nhiều phụ huynh. Đa số đều cho rằng, đây là dịp để các em được đắm chìm trong không gian thực hành nghệ thuật và tự mình tạo nên tác phẩm nghệ thuật mang nét cá tính của riêng mình. Đặc biệt, sản phẩm của buổi Workshop là những chiếc đèn lồng xinh xắn có thể được các em mang đến lớp hoặc chơi ở nhà trong dịp Tết Trung thu.

Theo họa sĩ Vương Lê Mỹ Học, Trưởng phòng Trưng bày Giáo dục, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cây giang thuộc họ tre nứa, vốn rất gần gũi với người dân Việt Nam. Lạt chẻ từ cây giang là thứ không thể thiếu trong quy trình gói bánh chưng, gói giò bởi đặc tính mềm, dẻo. Tuy nhiên, người dân tộc Mông ở khu vực Hang Kia - Pà Cò (tỉnh Hòa Bình) còn sử dụng giang để làm giấy. Tháng 4-2024, khi tổ chức triển lãm giấy giang tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh đã mang đến cho những chuyên gia ở Bảo tàng sự tò mò, thích thú. Bởi thế, Bảo tàng đã quyết định tổ chức Workshop trong dịp Quốc khánh vừa qua để “kéo” trẻ em về với giá trị truyền thống, thêm yêu, tự hào về dân tộc Việt Nam.

“Các em có thể vẽ lên giấy giang bất cứ con vật gì, quả gì mà các em nghĩ đến như chú ếch, bí ngô, con thỏ, cá... Phải nhấn mạnh rằng, vẽ trên giấy giang không hề đơn giản vì bề mặt của nó có độ sần, chỗ dày, chỗ mỏng khác nhau. Chỉ cần không tập trung là nét vẽ sẽ bị nguệch ngoạc và các công đoạn sẽ quay lại từ đầu. Những bức vẽ này được dán lên khung đèn. Trong khung đèn đã có bóng điện nên khi hoàn thiện tác phẩm sẽ thấy sự kết hợp kỳ diệu giữa ánh sáng và giấy giang. Mỗi tác phẩm đều mang một vẻ đẹp khác nhau, chúng tôi cũng không thể ngờ các em nhỏ có thể sáng tạo ra những tác phẩm đáng yêu đến vậy” - họa sĩ Mỹ Học bộc bạch.

“Khoảng trống” sáng tạo

Từng có triển lãm trên chất liệu giấy giang, họa sĩ Nguyễn Đoan Ninh cho biết, do cách làm thủ công của người Mông nên chất giấy không đồng nhất, khổ giấy rất to. Đặc biệt, do được làm thủ công nên bề mặt giấy không đều, độ thấm hút khác nhau nên thủ pháp nghệ thuật cũng phải khác nhau. Điều đó buộc người vẽ phải thực sự tỉ mỉ, chăm chút, cẩn thận. Cũng là người khá thành công trên chất liệu giấy giang, họa sĩ Thu Trần cho biết, khi dùng giấy giang vẽ độc lập thì phải đợi khô màu xong mới nhấc lên khỏi bề mặt bảng hay nền để không bị rách giấy. Nhưng, nếu dùng keo bồi lên toan thì dễ sử dụng hơn nhiều. “Có thể coi giấy giang như một chất liệu có thể hòa trộn rất nhiều chất liệu khác với nó. Tôi đã dùng cả bột giang để làm chất đắp rồi mới vẽ, thấy rất hiệu quả. Khi dán giấy giang lên mặt toan, trong công đoạn xé giấy để đè lên nhau sẽ không thấy vết ghép mà chúng tạo ra” - họa sĩ Thu Trần chia sẻ.

sang-tao-1.jpg
Gần 50 bạn nhỏ đã tham gia buổi Workshop sáng tạo những chiếc đèn lồng làm từ giấy giang với hình dáng, họa tiết, màu sắc ngộ nghĩnh.

Cũng theo họa sĩ Thu Trần, giấy giang có thể dùng trong hội họa, điêu khắc, nội thất, đèn trang trí, dán tường… Màu sắc tự nhiên của giấy gây cảm giác gần gũi với thiên nhiên, không bị gắt, không khó chịu… Có những tác phẩm của chị vẽ trên giấy giang từ năm 2002 đến nay không bị biến sắc, mất màu, nên chị yên tâm coi nó như một chất liệu trong sáng tác. “Hiện nay, mới có một số họa sĩ có tác phẩm thành công trên giấy giang như Nguyễn Bảo Toàn, Lê Thị Minh Tâm, Phạm Hà Hải, Nguyễn Mạnh Quỳnh…, nên có thể khẳng định rằng giấy giang có rất nhiều công năng mà chúng ta chưa khám phá hết. Điều đó đòi hỏi các họa sĩ cần mày mò, nghiên cứu sáng tạo thì mới có thể khai thác hết được những sự độc đáo, thú vị của nó” - họa sĩ Thu Trần nhấn mạnh.

Là người tham gia buổi tọa đàm, triển lãm với giấy giang của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh vào tháng 4-2024, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh nhận định: “Việc đưa chất liệu dân tộc vào các sản phẩm phục vụ đời sống hiện đại là một điều rất khó. Phải yêu lắm chất liệu dân tộc thì mới có thể làm được điều đó. Sự sáng tạo của các nghệ sĩ chính là động lực để phát triển nghề thủ công truyền thống... Thông qua triển lãm, công chúng có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của giấy giang trong hội họa với bút pháp tự do và phóng khoáng vô tận”.

Có thể nói, từ triển lãm của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh đến Workshop mới đây của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giấy giang đã và đang được để mắt đến nhiều hơn. Và không thể phủ nhận rằng, chất liệu giấy mang đậm nét truyền thống đã góp phần tạo nên những dấu ấn riêng biệt của rất nhiều họa sĩ trong hành trình sáng tạo của mình.