Công nghệ

Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024: Nền tảng phát triển nhanh, bền vững

Thu Hằng thực hiện 24/09/2024 - 08:05

Từ ngày 30-9 đến 1-10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (số 57 đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sẽ diễn ra sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) với chủ đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội về các vấn đề xung quanh sự kiện này.

khoa-hoc-va-cong-nghe.jpg
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và thành phố Hà Nội tham quan gian trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ, tháng 3-2024.

- Ông có thể cho biết những điểm đáng chú ý của sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024?

- Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024). Đây là sự kiện được Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hà Nội đồng tổ chức.

Sự kiện có quy mô quốc gia với nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ và đổi mới sáng tạo; giới thiệu và trình diễn những thành tựu công nghệ mới trong và ngoài nước được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; thảo luận về các vấn đề khó khăn, vướng mắc, chính sách tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước; kết nối giải pháp, công nghệ và tài chính cho các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng, chuyển giao, phát triển và làm chủ công nghệ.

Sự kiện gồm các hoạt động chính: Triển lãm, trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung cầu công nghệ; 5 diễn đàn về công nghệ (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng, Diễn đàn công nghệ ngành Y tế, Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.

- Kỳ vọng của sự kiện này đối với các bên tham gia như thế nào, thưa ông?

- Sự kiện được tổ chức để trở thành một nền tảng quan trọng kết nối các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các thành phần trong hệ sinh thái.

Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đặc biệt, sự kiện sẽ hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật từ các chuyên gia hàng đầu.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ có cơ hội kết nối với nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn và phát triển. Các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học công nghệ sẽ có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh. Các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ cũng sẽ có cơ hội trình diễn, giới thiệu những giải pháp công nghệ mới, kết nối nhu cầu ứng dụng với các đối tác phù hợp.

Các cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng sự kiện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ hỗ trợ các chính sách quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Các nhà đầu tư và đối tác quốc tế có cơ hội tìm kiếm dự án tiềm năng để đầu tư và hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

- Ông có nhận xét gì về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội hiện nay?

- Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Điều này giúp tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, Hà Nội cũng đứng đầu toàn quốc về: Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn (với 168/800 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước, chiếm 21%), số lượng bằng, giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp (chiếm 36,4% của cả nước). Trong năm 2024, lần đầu tiên UBND thành phố đã trao tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô” cho 44 sáng kiến của 66 cá nhân là tác giả, đồng tác giả.

Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn, tổ chức các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ. Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 tới đây nhằm giúp doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

- Theo ông, Hà Nội cần làm gì để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới?

- Trước tiên, Hà Nội cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách liên quan. Thời gian tới, những cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ ngày càng được hoàn thiện với nhiều quy định mới, đột phá đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đồng hành, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Trong đó bao gồm việc phát triển các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.

Trong Luật Thủ đô năm 2024 cũng cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học, công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp và cán bộ, giảng viên có thể làm chủ doanh nghiệp. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu đi vào cuộc sống nhanh hơn, phục vụ mục tiêu phát triển của Thủ đô cũng như cả nước.

Hà Nội cũng cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng hỗ trợ chuyển giao, kết nối, như: Sàn giao dịch công nghệ, các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ, như: Triển lãm, trình diễn công nghệ, kết nối cung cầu, hội nghị, hội thảo và các cuộc thi khởi nghiệp. Thành phố cũng cần quan tâm hỗ trợ việc nhập khẩu và giải mã công nghệ cao từ các nước phát triển, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, như: Công nghiệp điện tử, cơ khí, công nghệ sạch...

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố cần có những chính sách đào tạo và thu hút nhân tài, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sẽ có 5 diễn đàn về công nghệ tại sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Đó là: Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng, Diễn đàn công nghệ ngành Y tế, Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao.