Kinh tế

Phát triển bền vững ngành logistics: Tận dụng thời cơ để gia tăng xuất khẩu

Lam Giang 24/09/2024 - 06:18

Với tốc độ tăng trưởng ở mức 15%/năm, ngành dịch vụ logistics đã đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu.

Tuy nhiên, những yêu cầu mới về phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng thích ứng, tận dụng thời cơ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

logistics.jpg
Bốc xếp hàng hóa tại kho của Công ty logistics Delta. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Đóng góp lớn cho xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15% với quy mô thị trường 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Năm 2023, Việt Nam nằm tốp 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, những năm qua, ngành logistics đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất, nhập khẩu cả nước, giúp Việt Nam trở thành tốp 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 2010, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỷ USD, thì với những nỗ lực nhiều mặt từ hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển sản xuất trong nước và đẩy mạnh dịch vụ logistics, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã tăng lên 680 tỷ USD. Đặc biệt, 8 tháng của năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước đã phục hồi và đạt kim ngạch trên 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả này cho thấy những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cũng như việc kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng.

Phát triển xanh, bền vững

Với nhiều lợi thế sẵn có, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics.

Trước hết, đó là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng được mở rộng, trải dài các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là mạng lưới đường cao tốc. Ngoài ra là hệ thống cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Đặc biệt là các dịch vụ logistics đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường.

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chi phí cao; thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu… Ngoài ra, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể… Đặc biệt, thời gian gần đây, yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng, trong đó có dịch vụ logistics đã tạo ra áp lực không nhỏ tới các doanh nghiệp dịch vụ logistics, phần nào là rào cản cho tăng trưởng xuất khẩu.

Để logistics phát huy vai trò quan trọng trong việc kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng (Trường Đại học Thương mại) cho rằng, bản thân các doanh nghiệp logistics cần thay đổi từ nhận thức đến hành động. Theo đó, cần triển khai các biện pháp cụ thể để xanh hóa từng hoạt động từ dịch vụ kho, nguồn điện năng thân thiện với môi trường, đồng thời tranh thủ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên quan tới phát triển xanh nhằm khắc phục hạn chế hiện có.

“Mặt khác, các doanh nghiệp cần bồi dưỡng và phát triển nhân lực để đáp ứng yêu cầu xanh hóa của doanh nghiệp; kết hợp chuyển đổi xanh với chuyển đổi số nhằm hỗ trợ đắc lực quá trình xanh hóa”, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương nêu.

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á Mai Trần Thuật, yêu cầu dịch vụ xanh của khách hàng ngày càng gia tăng. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp nhằm xanh hóa chuỗi cung ứng và dịch vụ, ông Mai Trần Thuật kiến nghị cần giải quyết bài toán về đầu tư cho chuyển đổi và chính sách vĩ mô của Nhà nước như ưu đãi về thuế, vay vốn; kêu gọi đầu tư khu công nghiệp xanh, sử dụng điện mặt trời áp mái, xe tải điện…

Bộ Công Thương đang tích cực đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để ghi nhận và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tham mưu Chính phủ đưa ra những chiến lược thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh, phát triển bền vững.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này sẽ góp phần đem lại giá trị gia tăng cao, gắn logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin theo hướng bền vững, hiện đại, hiệu quả.