NSND Hương Dung:Vẫn khao khát một vai diễn để đời
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hương Dung sinh năm 1956 tại Ninh Bình, trưởng thành tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từng nhập ngũ và tham gia biểu diễn trong quân đội.
Từ năm 1985 đến năm 1993, nghệ sĩ là diễn viên của đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân, sau đó nghỉ hưu, tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Hương Dung được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2010 và danh hiệu NSND năm 2023.
- Với một nghệ sĩ, thanh và sắc là hai yếu tố vô cùng quan trọng và quả thực, giọng nói của NSND Hương Dung là một thứ trời cho. Tuy nhiên, là người chưa qua một lớp đào tạo chuyên nghiệp nào, vậy bí quyết nào để bà có thể giữ được niềm đam mê nghệ thuật, đặc biệt là với sân khấu kịch?
- Tôi xuất thân từ một vùng quê và rồi rời quê, lập nghiệp và thành danh ở Thủ đô, tôi làm nghề và đi dạy, dạy về giọng nói. Tôi thấy những người đi ra từ tỉnh lẻ, giọng nói thường đậm phương ngữ, thổ âm. Bản thân tôi cũng là một người vùng biển, chỉ cần nói ra là có thể nhận rõ là người vùng nào. Nhưng thật may mắn, khi Hương Dung về đoàn, đạo diễn Xuân Huyền có động viên: “Có người nói với tôi Hương Dung chỉ là diễn viên nghiệp dư ở tỉnh lẻ, nhưng tôi chỉ cần mọi người làm được như Hương Dung, đấy là điều đáng quý. Hương Dung đã làm được hơn những điều mà tôi mong muốn, đặc biệt ở cô là tiếng nói”.
Khi tìm người lồng tiếng cho diễn viên Lê Vân trong phim “Đêm hội Long Trì”, đạo diễn, NSND Hải Ninh nói rằng, giọng của tôi là giọng bác học, rất hiếm. Tôi rất mừng vì những lời nhận xét đó. Chính vì thế Hương Dung luôn ý thức để tôn thêm giọng nói của mình như kỹ thuật nhả chữ, nhấn nhá đài từ...
Mặc dù không được đào tạo bài bản nhưng tôi có thể vững vàng đứng lớp để truyền đạt những kinh nghiệm quý từ những gì mình có và từ sự học hỏi không ngừng nghỉ.
- Trong quá trình thực hiện bộ phim “Đêm hội Long Trì”, đạo diễn Hải Ninh phát hiện ra giọng nói của nghệ sĩ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, kỷ niệm đó thật đáng nhớ?
- Quả thực đó là một kỷ niệm tuyệt vời, nhờ cơ duyên Hương Dung đã được mọi người biết đến mình, nhận ra giọng nói của mình qua các chương trình ngâm thơ, đọc thơ, diễn kịch trên sóng phát thanh. Đạo diễn Hải Ninh phát hiện chất giọng của tôi và ông chọn tôi lồng tiếng cho vai diễn Đặng Thị Huệ của diễn viên Lê Vân. Tôi nhận được nhiều lời khen ngợi từ bộ phim này bởi sự kết hợp ăn ý giữa giọng nói với biểu cảm gương mặt, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Tôi rất vui vì đến bây giờ mọi người vẫn còn nhớ vai lồng tiếng này.
- Có thể nói, Đài Tiếng nói Việt Nam là nơi đã khiến giọng nói Hương Dung trở nên nổi tiếng?
- Những năm 1985 đến 1990 là quãng thời gian Hương Dung tham gia rất nhiều chương trình phát thanh như Quân đội nhân dân, Vì an ninh Tổ quốc, Sân khấu truyền thanh, Câu lạc bộ hài truyền thanh... Câu xướng chương trình “Câu lạc bộ truyền thanh” là giọng của Hương Dung đấy. Cô Tuyết Mai phát thanh viên đối với Hương Dung như một người thầy, tôi học được ở cô nhiều điều, thực sự ấn tượng về cô.
Sau này, Hương Dung thu thơ trong chương trình “Tiếng thơ”, kể chuyện trong chương trình “Kể chuyện hát ru”... Thực sự đến bây giờ Hương Dung vẫn luôn biết ơn Đài đã cho Hương Dung có nhiều cơ hội gần hơn với thính giả. Tôi vẫn hay nói vui với đồng nghiệp rằng chính môi trường này đã tôi luyện cho mình ngọt hơn, đẹp hơn, càng ngày càng hay hơn. Điều này đã giúp cho tôi diễn hay hơn trong các vai diễn khác nhau hoặc lồng tiếng cũng rất ngọt, rất bén.
- Còn cơ duyên với sân khấu thì như thế nào, thưa nghệ sĩ?
- Năm 1985, Đoàn kịch Bộ Nội vụ nay là Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân tuyển diễn viên tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quốc, Hương Dung được đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi chọn vào vai chính Hà Thu trong vở “Nữ ký giả” và rất may mắn vở diễn đạt Huy chương bạc còn vai diễn đạt Huy chương vàng. Đó là vai diễn đầu tiên của Hương Dung trên sân khấu kịch và giành được giải thưởng cao quý. May mắn hơn nữa đó là chính nhờ vai diễn đó mà Hương Dung được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
- Là một nghệ sĩ thành công trên nhiều lĩnh vực như diễn viên truyền hình, diễn viên lồng tiếng, nghệ sĩ ngâm thơ nhưng ở lĩnh vực sân khấu kịch, bà cũng là một gương mặt sáng giá, có nhiều thành tựu. Năm 1993, nghỉ hưu theo chế độ, bà có thấy tiếc khi sức mình vẫn còn có thể cống hiến nhiều hơn nữa?
- Tôi vẫn tiếc chứ bởi Hương Dung cũng thực sự có duyên với những vai diễn sân khấu. Trước khi nghỉ hưu, Hương Dung liên tiếp giành hai huy chương vàng năm 1991 và 1993. Lúc bấy giờ vì cuộc sống khó khăn, lại sinh con thứ 3 nên Hương Dung nghỉ hưu trước và sau đó thành lập công ty truyền thông, Hương Dung tiếp tục đào tạo và dựng các vở diễn. Hương Dung làm thêm nhưng cũng là một cách giữ nghề, vì niềm đam mê dành cho nghệ thuật luôn cháy bỏng, khao khát.
- Những năm gần đây, NSND Hương Dung đã có những vai diễn thực sự ấn tượng trên phim truyền hình, có phải “gừng càng già càng cay”?
- Đó là niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ, được đóng phim, được khán giả nhớ mình, quả thực không có gì sung sướng hơn. Tuy nhiên, Hương Dung vẫn khao khát có một vai diễn để đời, để Hương Dung có thể bộc lộ hết những phẩm chất nghệ sĩ, Hương Dung vẫn rất mong chờ.
- Chúc NSND Hương Dung sớm có vai diễn như ý!