Văn hóa

Hoàng thành Thăng Long - Biểu tượng của văn hóa Thủ đôBảo vệ tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản

Linh Tâm 23/09/2024 - 12:31

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di tích đầu tiên của Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010 nhờ tính toàn vẹn, tính xác thực và những giá trị nổi bật toàn cầu.

Đây không chỉ là một di sản của đất nước và dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản của thế giới. Vì vậy, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và thành phố Hà Nội.

thang-long-1.jpg
Tòa nhà Cục tác chiến dự kiến được hạ giải để phục vụ việc tái dựng trục Thần Đạo, điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên. Ảnh: Linh Tâm

Tầm vóc của di sản

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài lịch sử 13 thế kỷ, bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (thế kỷ VII - IX) qua thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X), đặc biệt phát triển mạnh dưới thời Lý - Trần - Lê (thế kỷ XI - XVIII), qua thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) cho đến ngày nay.

Năm 1010, khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đức vua Thái Tổ Lý Công Uẩn đã cho xây dựng kinh thành Thăng Long theo mô hình “tam trùng thành quách” gồm 3 vòng thành: Kinh thành (nơi thị dân ở), Hoàng thành (khu quan lại ở, làm việc) và Cấm thành (nơi chỉ dành cho hoàng gia). Suốt từ thế kỷ XI - XVIII, nơi đây luôn là trung tâm chính trị, hành chính của nhà nước quân chủ, là kinh đô của quốc gia Đại Việt. Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Phú Xuân (Huế), Thăng Long bị hạ cấp là Bắc Thành (tức thành Hà Nội), nhưng điện Kính Thiên và Hậu Lâu trong Cấm thành vẫn được giữ làm hành cung cho các vua Nguyễn khi ngự giá Bắc Thành.

Khi thực dân Pháp chiếm hoàn toàn Đông Dương, Hà Nội trở thành trung tâm hành chính của Liên bang Đông Dương. Thành cổ Hà Nội được sử dụng làm Sở chỉ huy tối cao của quân đội Pháp. Lúc này, các công trình đền đài, cung điện hầu như đều bị phá hủy, chỉ còn Bắc Môn và Kỳ Đài được giữ lại. Thay vào đó là các tòa nhà kiểu Pháp được xây trên nền điện Kính Thiên và sân Long Trì. Năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, Thành Hà Nội trở thành Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến năm 2004.

Ngày nay, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bao gồm di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và di tích Thành cổ Hà Nội, nằm trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, nơi làm việc của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử và không gian kiến trúc gắn với sự phát triển của đất nước. Đây là trung tâm quan trọng của Thủ đô, nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa trọng đại của đất nước.

Như vậy, trải qua 13 thế kỷ, Hoàng thành Thăng Long luôn đóng vai trò trung tâm chính trị của đất nước và là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống di tích của Việt Nam. Tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Brazil, diễn ra vào ngày 31-7-2010, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được ghi danh Di sản văn hóa thế giới. Nét đặc trưng nổi bật của di sản này là chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực trong suốt nhiều thế kỷ và sở hữu các tầng văn hóa, di tích, di vật đa dạng. Đây cũng là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hóa và những sự kiện mang tầm vóc lớn lao.

Hình mẫu trong công tác bảo tồn di sản

Sau khi được UNESCO ghi danh, năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Kế hoạch quản lý di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội kèm theo Quyết định số 8038/QĐ-UBND ngày 31-12-2013. Kế hoạch này đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu của quốc gia và quốc tế trong công tác quản lý di sản Hoàng thành Thăng Long và trở thành một công cụ quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Kế hoạch bao gồm 7 mục tiêu mang tính lâu dài, xuyên suốt, và 6 nhiệm vụ chính cần tập trung thực hiện: Quản lý di sản; Bảo tồn di tích, di vật và cảnh quan; Nghiên cứu tìm hiểu về di sản; Tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý di sản; Phát huy giá trị di sản.

thang-long-2.jpg
Những di vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho các tầng văn hóa xếp chồng tại di sản này. Ảnh: Linh Tâm

Một trong những mục tiêu xuyên suốt trong quá trình quản lý khu di sản Hoàng thành Thăng Long được Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang chia sẻ, là xây dựng nơi đây trở thành Công viên văn hóa, lịch sử nhằm phát huy giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của Khu di tích, thể hiện được một khu vực có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất, tồn tại và phát triển từ ngàn năm của đất nước. Mục tiêu này được xác định trong các quy hoạch đã được thành phố Hà Nội phê duyệt, trong đó giai đoạn 1 (đến năm 2020) tăng cường nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu dữ liệu khoa học để phục dựng một số di tích quan trọng, trong đó nhấn mạnh trục không gian từ Kỳ Đài đến Bắc Môn; hạ giải những công trình tạm, không có giá trị kiến trúc cũng như giá trị sử dụng, hoàn trả lại không gian cây xanh phục vụ công tác nghiên cứu khảo cổ học... Giai đoạn 2 (sau năm 2020), triển khai các công tác tái dựng, tôn tạo trên cơ sở nghiên cứu của giai đoạn trước đó; triển khai các đề án phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của Khu di sản; kết nối với các không gian, điểm di tích lân cận...

Tuy nhiên, những hạng mục quan trọng thể hiện giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản đến nay đã được bảo tồn nhưng chưa xứng tầm, tiêu biểu như di tích điện Kính Thiên và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu... Vì nhiều lý do, việc khôi phục điện Kính Thiên chưa thể thực hiện do vướng mắc trong các quy định pháp luật theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam và các cam kết theo Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên thế giới của UNESCO (Công ước 1972). Đáng mừng là, trong kỳ họp thứ 46 diễn ra vào tháng 7-2024, UNESCO đã đồng thuận với đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trong đó có việc đồng ý cho hạ giải một số công trình ít có giá trị được xây dựng vào thế kỷ XIX. Lý do để UNESCO đồng ý với phương án hạ giải là bởi những công trình này “không đóng góp vào Giá trị phổ quát nổi bật (OUV) và đang xâm phạm Trục trung tâm”, và từ đó tiến tới phục dựng không gian điện Kính Thiên. Đây cũng là nỗ lực của thành phố Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng phái đoàn cố vấn chung của UNESCO/ICOMOS đã đến thăm di sản vào tháng 7-2023 để đánh giá tính khả thi của các đề xuất này.

Để nhận được cái gõ búa đồng ý của Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43 chấp thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam là cả một quá trình chuẩn bị hồ sơ khoa học công phu, lâu dài. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, bên cạnh việc chứng minh cho Ủy ban Di sản thế giới thấy được Chính phủ Việt Nam đã tuân thủ, thực hiện đúng các cam kết với UNESCO theo Công ước 1972 trong hơn 10 năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng một hồ sơ khoa học chặt chẽ, thể hiện chiến lược về khảo cổ và tầm nhìn cho Trục trung tâm cũng như việc tái hiện không gian và chính điện Kính Thiên.

Khẳng định tầm quan trọng của hồ sơ, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cho rằng, hồ sơ này không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn với thế giới vì nó gắn với những vấn đề mới liên quan tới tiến trình phát triển của di sản. Ông cũng coi đây là hình mẫu hợp tác giữa quốc gia thành viên với UNESCO và cơ quan tư vấn, đồng thời là điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.

Để thực hiện tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong giai đoạn tới, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 2024 - 2028, định hướng tới năm 2035, tầm nhìn năm 2045 kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND ngày 15-1-2024. Kế hoạch này nhằm xây dựng chiến lược lâu dài để bảo vệ tính toàn vẹn và các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần ẩn chứa trong các thành phần của khu di sản; đưa di sản trở thành biểu tượng văn hóa của Thủ đô và góp phần phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch di sản. Bên cạnh đó, kế hoạch này còn là cơ sở pháp lý và khoa học quan trọng giúp các cơ quan quản lý, các bên liên quan đưa ra chính sách và hành động cụ thể nhằm thực hiện tốt cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị và chuyển giao di sản cho thế hệ tương lai theo đúng tinh thần của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên thế giới.