Huyện Ứng Hòa:Phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến sâu
Huyện Ứng Hòa nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nổi tiếng với nhiều sản phẩm chất lượng cao như: Lúa, vịt cỏ Vân Đình, thủy sản... Nhận thức rõ tiềm năng này, huyện Ứng Hòa đã định hướng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung kết hợp với chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Ứng Hòa có diện tích đất tự nhiên 18.818ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm 71%. Hằng năm, diện tích lúa đạt hơn 16.000ha, sản lượng hơn 96.000 tấn với 85% là lúa chất lượng cao mang thương hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”. Ngoài ra, huyện còn phát triển 380ha cây ăn quả, 4.000ha nuôi trồng thủy sản, cung cấp hơn 39.532 tấn thủy sản. Đàn gia cầm với hơn 2,18 triệu con, đàn lợn gần 100.000 con cung cấp nguồn lớn trứng và thịt cho thị trường. Nhiều vùng sản xuất tập trung đã hình thành như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn; mô hình đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm, Đội Bình; vùng lúa chất lượng cao ở Trung Tú, Hoa Sơn, Hòa Phú…
Những năm trước đây, các vùng sản xuất tập trung của huyện luôn đối mặt với tình trạng bán sản phẩm thô, phụ thuộc vào thị trường... Đến nay, với định hướng phát triển bền vững, huyện đã khai thác tiềm năng, thế mạnh, đầu tư mạnh mẽ vào các vùng nguyên liệu tập trung có sự liên kết nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Ứng Hòa đã thành công trong việc xây dựng các tiểu vùng nguyên liệu kết hợp chế biến sâu. Nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Điển hình là Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú; Hợp tác xã Thủy sản Minh Quân, xã Đội Bình; cơ sở chế biến chả vịt Tiến Mạnh, thị trấn Vân Đình…
Anh Lương Tiến Mạnh, chủ cơ sở sản xuất chả vịt Tiến Mạnh chia sẻ, nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và nguồn khách hàng ổn định, cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, ký kết hợp đồng với các đơn vị chăn nuôi an toàn. Sản phẩm chả vịt của anh đã vươn ra thị trường toàn quốc thông qua hệ thống phân phối chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Tương tự, Hợp tác xã Thủy sản Minh Quân đã phát triển mạnh mô hình nuôi cá rô đầu vuông đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chế biến sâu, cung cấp trên 4 tấn cá/ngày cho các nhà hàng lớn tại Hà Nội. Từ vùng nuôi thủy sản 18ha, ngoài bán cá tươi cho các nhà hàng, đơn vị, hợp tác xã chuyển sang sản phẩm chế biến như cá rô sơ chế, cá rô, cá trê kho… đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đô thị.
Phó Chủ tịch UBND xã Đội Bình Dư Đình Quyền cho rằng, việc quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu tập trung kết hợp chế biến, tiêu thụ không chỉ mang lại giá trị bền vững cho nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao thương hiệu nông sản của địa phương, khẳng định vị thế các vùng chuyên canh...
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp, huyện tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu có thế mạnh bằng giải pháp đồng bộ; quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu đặc trưng. Các chương trình, đề án phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa gạo, vịt cỏ, thủy sản... được triển khai với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã mang lại hiệu quả cao. Đối với vùng sản xuất, địa phương yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo đảm chất lượng. Các đơn vị chế biến và doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm theo giá đã công bố, giúp ổn định thị trường tiêu thụ. Chính quyền địa phương cũng tăng cường quản lý, bảo đảm mối liên kết bền vững giữa nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định.
Về lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết thêm, năng suất, chất lượng sản phẩm đã tăng cao, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác. Sự liên kết giữa vùng nguyên liệu và chế biến sâu tạo bước đột phá cho giá trị nông sản của huyện. Hiện nay, Ứng Hòa có 87 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đã vươn tầm quốc gia...
Việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến sâu tại Ứng Hòa đã chứng minh hiệu quả nâng cao giá trị nông sản, ổn định thu nhập cho nông dân. Đây là xu thế tất yếu thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Huyện tiếp tục thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, tạo sức bật cho nông nghiệp địa phương.